Giá bản quyền World Cup 2018 tăng phi mã so với năm 2014. Nguồn theo vtv.vn

Ông Phan Thanh Giản cho rằng, năm nay ở Việt Nam có hai nỗi buồn xảy ra đối với người xem truyền hình, đó là VTVCab đã cắt gói nội dung kênh quốc tế quen thuộc, thay vào đó là gói kênh mới; thứ hai là vấn đề mua bản quyền World Cup 2018. Cả hai nỗi buồn này đều liên quan đến giá mua bản quyền nội dung quốc tế quá đắt đỏ.
Theo ông Giản, những năm gần đây Việt Nam bắt đầu xảy ra tình trạng “bong bóng” bản quyền (content bubble) như Trung Quốc trước đây. Nhà cung cấp nội dung tăng trung bình 20%-50% giá bản quyền nội dung hàng năm, đơn cử là các giải thế thao lớn như Ngoại hạng Anh, còn bản quyền World Cup 2018 đẩy lên gần gấp đôi sau 4 năm (theo lời ông Nguyễn Hà Nam, đại diện phát ngôn của VTV), phim chiếu rạp tăng lên cũng nhiều lần, phim truyền hình và nhóm kênh quốc tế cũng tương tự.
Ngược lại thì số lượng thuê bao truyền hình trả tiền giảm đi, giá thuê bao tháng cũng giảm đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, việc kiểm soát nội dung lậu không làm mạnh mẽ, ý thức xem miễn phí của người dân tăng cao, dẫn đến các nhà đài, các dịch vụ nền tảng cung cấp nội dung rơi vào cảnh thua lỗ triền miên.
Ở các nước khác, tình trạng bong bóng vẫn thế, không đổi vì cuộc chơi thuộc về người sỡ hữu nội dung, nhưng môi trường ở các nước ngày một lành mạnh hơn, ý thức người dùng cao lên nên các nhà đài, nền tảng phát nội dung vẫn sống được, vì người dân sẵn sàng trả tiền. Và Chính phủ phải triệt để xử lý dịch vụ lậu bằng hình sự hóa và kỹ thuật.
Việc VTV chần chừ không mua bản quyền khi giá tăng quá cao cũng như lý do ông Giản nói, mua mà thu không đủ bù chi, bù lỗ triền miên thì không thể nào sống mãi như thế được.

“Tôi ủng hộ cách làm của VTV về vấn đề bản quyền World Cup, cuối cùng để làm sao cho “bong bóng” bản quyền không tăng quá mức vô lý và VTV cũng chịu nhiều áp lực về cả tài chính lẫn dư luận với trọng trách của mình. Số tiền bỏ ra cho hơn 1 tháng diễn ra World Cup lên tới 14 triệu USD (theo truyền thông đưa tin) thì quả là một cái giá quá chát”, ông Giản nói.
Theo ông Giản: “Nhưng tôi cũng đoán được kết quả là rất khó để có thể hạ màn sớm, trừ khi ta chấp nhận nhượng bộ, bởi người ta nói “Content is KING” (nội dung là vua) luôn là thế. Việc không có bản quyền World Cup 2018 sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới người dân, các hãng TV, các chuỗi điện máy và nhiều thứ nữa khi mà mọi kế hoạch đã được chuẩn bị từ rất lâu. Nhưng với cách làm này, người dân Việt Nam sẽ dần tôn trọng bản quyền hơn, các cơ quan nhà nước sẽ lưu tâm triệt để hơn về vấn đề vi phạm bản quyền. Một khi người dùng sẵn sàng chia sẻ cùng nhà đài như các nước khác thì VTV hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình vẫn có thể mua được bản quyền cho các giải đấu tiếp theo với giá cao, nhưng tự tin vì bài toán kinh doanh được giải dễ hơn”.
Trả lời trên VTV1 vào ngày 5/6/2018, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện phát ngôn cho VTV cho biết, việc VTV có bản quyền phát sóng World Cup 2018 hay không tùy thuộc vào FIFA có chấp nhận mức giá của VTV đưa ra hay không, VTV đang chờ đợi sự chấp nhận của FIFA.
VTV đang đàm phán mua bản quyền phát sóng World Cup trên lãnh thổ Việt Nam trên tất cả hạ tầng, trong trường hợp nếu VTV không có bản quyền thì các hình ảnh trực tiếp sẽ không được phát sóng ở Việt Nam trên bất kỳ hình thức truyền dẫn nào.
Ông Nguyễn Hà Nam cho hay, ở các giải bóng đá lớn như World Cup hay EURO mà VTV mua bản quyền trước đây thì quảng cáo không bù đắp được chi phí bỏ ra mua bản quyền, số tiền lỗ khoảng 40-50%. Ở mùa giải năm nay tính đến thời điểm này, nếu đối tác chấp nhận mức giá mà VTV có thể mua thì con số lỗ có thể lên tới 90%. Dù vậy, VTV vẫn cố gắng mua bản quyền để phục vụ khán giả nhưng nếu giá cả tiếp tục tăng thì VTV khó có thể đáp ứng được.
Cho đến lúc này VTV chưa có bản quyền phát sóng World Cup 2018, mặc dù rất nỗ lực đàm phán từ tháng 10/2016, quá trình đàm phán vô cùng căng thẳng. VTV đã đưa ra các mức giá phù hợp nhất với khả năng tài chính của mình, nhưng rất tiếc vẫn chưa có kết quả do quan điểm của VTV và đối tác khác nhau.
Vướng mắc lớn nhất là giá cả, giá của đối tác Infront Sports & Media đưa ra quá cao so với mùa trước, trong khi đó khả năng tài chính của VTV có hạn nên đã trả ở mức giá hợp lý, nhưng chưa đi đến con số cuối cùng được. Ngày 29/5/2018, VTV đã gửi văn bản nêu con số cuối cùng mà VTV có thể trả song đối tác chưa trả lời. Hiện tại, số tiền mà Infront Sports & Media yêu cầu cao gần gấp đôi so với giá bản quyền mà VTV mua tại World Cup 2014.