Các động cơ – một nhỏ, một lớn – đẩy “quả tên lửa Apple” lên cột mốc 1 nghìn tỷ USD là iPod và iPhone. Các sản phẩm khác của hãng cũng rất quan trọng, nhưng hai sản phẩm iPod và iPhone chính là “tiền”, mà mỗi sản phẩm lại đóng một vai trò khác nhau trong hành trình nghìn tỷ USD của Apple. iPod đã giúp tái tạo và tiếp sức mạnh cho công ty, trong khi iPhone trở thành khúc sử thi hoành tráng. Cả hai đều tham gia và thúc đẩy Apple về phía trước.

Còn nhớ vào giữa những năm 1990, nhiều người tự hỏi liệu Apple có thể tồn tại trước khó khăn như vậy không? Apple lúc đó đã ép buộc Steve Jobs ra đi. Và Steve Jobs lúc đó đã sáng lập ra NeXT. NeXT bị đánh bại bởi các PC Windows giá rẻ hơn. Giám đốc điều hành vào thời điểm đó, Gil Amelio, đã mua NeXT và đưa Jobs trở lại vào năm 1997, và Jobs bắt đầu xây dựng lại công ty. Jobs tập trung thắt chặt chi tiêu và phát triển sản phẩm. Đến năm 2000, Apple – lúc đó vẫn tập trung vào máy tính để bàn và máy tính xách tay Mac – là một công ty “khỏe mạnh”, nhưng cũng bình thường như bao công ty khác.
Sau đó Apple bắt đầu trở thành một công ty điện tử tiêu dùng. Jobs đã yêu cầu Tony Fadell dẫn dắt một nhóm xây dựng sản phẩm máy nghe nhạc MP3 theo phong cách của Apple. Máy nghe nhạc MP3 không phải mới, nhưng Jobs và Fadell biết Apple có thể làm ra một chiếc máy nghe nhạc mang lại cái nhìn, cảm nhận và âm thanh tốt hơn so với những người khác. Và họ đã đúng; iPod đã trở thành một “bom tấn”. Sau đó Jobs yêu cầu Fadell giúp xây dựng máy nghe nhạc MP3 của Apple thành một chiếc điện thoại mới. Đây là một động thái phòng thủ, bởi vì điện thoại của những hãng như Motorola và Nokia lúc đó đã bắt đầu tích hợp máy nghe nhạc.
Vào tháng 1/2007 – tháng iPhone chính thức được công bố – Jobs đã đổi tên công ty từ Apple Computer thành Apple Inc., chính thức tuyên bố Apple không chỉ là một công ty máy tính.
iPhone không phải ngay lập tức mang đến thành công vang dội. Giá cổ phiếu Apple được ví như một cậu nhóc vụt lớn thành một chàng trai sung sức những năm tuổi hai mươi ngay sau khi công bố iPhone (máy được bán ra vào tháng 6/2007), nhưng sau đó lại giảm xuống còn 11,50 USD vào tháng 1/2009.
Nhưng tháng 1/2009 chỉ là bắt đầu. iPhone bắt đầu thu hút được sự chú ý, chiếm lấy vị trí smartphone bán chạy số ba của Nokia. Giá cổ phiếu, giá trị công ty bắt đầu tăng. Trong khi vẫn có một số trở ngại nghiêm trọng (như một số tin liên quan đến sự lo lắng của nhà đầu tư về sức khỏe của Jobs), cổ phiếu của Apple không bao giờ quay trở lại mức gần 20 USD nữa.
Vào tháng 3/2010, Apple đã đạt giá trị thị trường 200 tỷ USD, vượt qua Walmart. Hãng trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới với 337 tỷ USD vào tháng 8/2011, vượt qua ExxonMobil. Đến tháng 4/2012, vốn hóa thị trường của Apple là 600 tỷ USD.
Mark Sullivan, tác giả của bài viết chia sẻ, khi ông viết bài này, ông đang đeo AirPods trên tai, Apple Watch trên cổ tay, iPhone trong túi và MacBook Pro ngay trước mặt. Tại sao? “Một phần là vì công việc, tôi viết về Apple, nhưng một phần cũng vì các sản phẩm của Apple mang đến một môi trường làm việc sáng tạo và thoải mái với tôi”.
Marc Porat, Giám đốc điều hành của General Magic, cho biết trong những năm đầu 1990, Apple đã hình dung ra một kỷ nguyên với các thiết bị giao tiếp cá nhân có kích thước bỏ túi, và Apple biết ngay cả khi đó rằng hãng không phải là công ty phần cứng lớn nhất thế giới. Nhưng Apple cũng biết rằng hãng hiểu người dùng tốt hơn bất cứ công ty nào. Những hiểu biết đó lan tỏa đến mọi loại kỹ năng, từ thiết kế giao diện đến xác định bản đồ sản phẩm để tạo ra các thông điệp tiếp thị.
Nói cách khác, Apple là chuyên gia giao diện giữa thiết bị kỹ thuật số và bộ não con người. Theo nhiều cách, hãng đã ghim điều đó vào trí não người dùng. Các sản phẩm của Apple vẫn mang âm hưởng và phong cách thiết kế đơn giản và sạch sẽ của Jobs cùng cảm giác ấm áp và vui vẻ của Steve Wozniak.
Cái giao diện người dùng thoải mái này của Apple rất có giá trị. Nếu bình chọn một chủ đề chi phối của thế kỷ 21, đó sẽ là tác động triệt để của công nghệ kỹ thuật số lên cơ thể chúng ta, giao thông của chúng ta, giải trí của chúng ta, và toàn bộ các ngành công nghiệp. Apple phải tiếp tục đóng vai trò là điểm chuyển giao giữa những ranh giới mới, và ngay lúc này, hãng cũng đang có kế hoạch phát triển hai lĩnh vực mới – xe tự lái và kính thực tế tăng cường.
Trong năm qua, Apple đã chi 13,4 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm như vậy. Phần lớn số tiền này đang đi vào các danh mục sản phẩm mà chúng ta thậm chí còn chưa biết. Nhưng với mỗi nỗ lực mới, Apple đều đang hướng dẫn người dùng trải nghiệm kỹ thuật số.
Vẫn còn quá sớm để đưa ra phán quyết Apple sẽ mở rộng tương lai của hãng vào những danh mục mới nào. Câu hỏi quan trọng hơn là liệu Apple có còn giữ được thứ đã giúp họ từ một công ty đứng trên bờ vực thành công ty nghìn tỷ đô như ngày nay hay không. Nếu xem con số giá trị nghìn tỷ USD này là chương đầu tiên trong câu chuyện của Apple, bạn sẽ phải thừa nhận rằng Jobs chính là nhân vật chính. 
Apple cần một nhân vật, hoặc các nhân vật, như vậy để tiếp tục phát triển chương 2. Nhưng chắc chắn công ty sẽ không trở thành một chiếc máy tiền chỉ bán các dịch vụ thông qua các thiết bị hiện có và trả cổ tức cho cổ đông. Thách thức thực sự của Apple trong tương lai là làm thế nào đảm bảo những ý tưởng tốt sẽ được đặt lên hàng đầu, thay vì “đứt gánh giữa đường”.