Lễ bàn giao nhiệm vụ tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông
Bộ cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 808-QĐNS/TW ngày 16/7/2018 của Bộ Chính trị về việc phân công đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội giữ chức Quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT&TT, kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại Hội nghị, Nguyên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã thống nhất tiến hành ký Biên bản bàn giao nhiệm vụ Bí thư Ban cán sự Đảng và Biên bản bàn giao nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng TT&TT và chức năng, tổ chức bộ máy Bộ TT&TT (giai đoạn từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2018) với các nội dung chính như: Nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2016-2020 và những kết quả đã thực hiện; Công tác xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án; Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ được Chính phủ giao; Công tác tổ chức bộ máy của Bộ gồm 6 Lãnh đạo Bộ và 36 cơ quan, đơn vị, 04 doanh nghiệp Bộ TT&TT đại diện quyền sở hữu, bao gồm: Phân công công việc của Lãnh đạo Bộ; Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Công tác Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên; Công tác kinh tế tài chính bao gồm Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Tài sản (không bao gồm tài sản của các doanh nghiệp); Các nhiệm vụ công tác cần tiếp tục triển khai.
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên con đường phát triển, đất nước ta đã và đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, nhưng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các địa phương, doanh nghiệp, ngành TT&TT đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành quả quan trọng. Quyền Bộ trưởng hứa sẽ sát cánh cùng Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ TT&TT đoàn kết, tập trung trí tuệ, công sức, kế thừa những thành tựu đã đạt được, phát huy tinh thần trách nhiệm để lãnh đạo chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Bộ và ngành TT&TT; tuân thủ và chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Ông cũng nói thêm, những thành tựu của ngành TT&TT trong thời gian vừa qua có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Trương Minh Tuấn; thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công chức, viên chức Bộ TT&TT, với tình cảm chân thành, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn và chúc đồng chí Trương Minh Tuấn luôn mạnh khỏe và tiếp tục có những đóng góp cho ngành TT&TT, cho đất nước.
Tại buổi Lễ bàn giao, đồng chí Trương Minh Tuấn cho biết trong hai năm rưỡi vừa qua, Bộ TT&TT đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT tin tưởng, với vai trò của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, ngành TT&TT trong thời gian tới tiếp tục phát triển, có nhiều bước đổi mới, đột phá hơn và tiếp tục có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần ổn định chính trị, xây dựng xã hội thông tin an toàn, lành mạnh.
Viettel tổ chức lễ bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn
Cũng trong ngày 3/8, tại trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Viettel đã tổ chức Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn.
Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) bàn giao chiến lược giai đoạn 4 của Viettel và bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
Theo chia sẻ của Viettel, chiến lược của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo 2018 – 2030, đó là duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về Viễn thông và Công nghiệp công nghệ cao, trở thành top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó top 10 về Viễn thông và CNTT; Top 20 về Công nghiệp Điện tử Viễn thông; Top 50 về Công nghiệp an toàn, an ninh mạng. Cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.
Viettel cũng tiếp tục duy trì mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước, nhận thực hiện các việc khó mang sứ mệnh quốc gia.
Gia Linh