Cong cu "mem" lam lanh manh moi truong mang
Xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết.

Ngăn chặn thông tin xấu

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), nhận định: Bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội, tình trạng thông tin sai sự thật khiến các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng tới danh dự; bị thiệt hại về kinh tế, thương hiệu; phải chịu nhiều hệ lụy khó khắc phục. Đáng chú ý, nhiều thông tin không chính xác bị đưa lên mạng được người dùng nhấn nút share (chia sẻ) rộng rãi kèm những lời bình theo chiều hướng tiêu cực; nhưng khi cộng đồng phát hiện đó là tin bịa đặt, cơ quan quản lý nhà nước làm rõ sai phạm, người đăng tải phải xin lỗi, đính chính, gỡ bỏ, thì phần lớn người bình luận, chia sẻ lại không có động thái khắc phục hậu quả, không thấy trách nhiệm của mình.
Theo Viện Chiến lược TT-TT (thuộc Bộ TT-TT), một kết quả khảo sát cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị người khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… Các hành vi này đã được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, số vụ việc được xử lý theo quy định pháp luật còn hạn chế so với thực tế vi phạm… Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các quốc gia này cũng đã ban hành các bộ quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội để quy định những chuẩn mực chung cho người dân tham gia.

“Tôi cho rằng, các quy định của pháp luật dù có đầy đủ và chặt chẽ đến đâu thì hành vi xấu trên mạng xã hội vẫn luôn diễn ra. Vì thế, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được coi là công cụ “mềm” hỗ trợ cho các quy định của pháp luật” – ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT chia sẻ.
Sự cần thiết xây dựng bộ Quy tắc
Tại tọa đàm lấy ý kiến về xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT-TT tổ chức trong tuần qua, nhiều ý kiến đã bày tỏ tán đồng về sự cần thiết phải xây dựng bộ Quy tắc này. Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), nhiều nước trên thế giới đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, do vậy việc đưa ra bộ Quy tắc này ở Việt Nam là cần thiết để trang bị những chuẩn mực cho người tham gia mạng xã hội. Còn ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Tổng Biên tập Báo Ngày nay cho rằng, bộ Quy tắc cần hướng tới người dùng mạng xã hội, do vậy thông điệp đưa ra phải cô đọng, dễ hiểu để mọi người ở nhiều trình độ khác nhau có thể nắm bắt.
Mục đích của việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là xây dựng những quy tắc về các giá trị đạo đức và chuẩn mực nhằm điều chỉnh hành vi, ứng xử của các cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng mạng xã hội tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, trên cơ sở đó đẩy lùi những hành vi xấu trên mạng xã hội… Những quy định cụ thể hiện nay tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện theo các nguyên tắc: Tôn trọng, minh bạch, lành mạnh, trung thực, an toàn. Đây cũng sẽ là bộ Quy tắc khung, mang tính hướng dẫn, định hướng chung, sau đó dựa trên bộ Quy tắc này, các cơ quan, tổ chức sẽ có những bộ quy tắc cụ thể áp dụng riêng, phù hợp.
Như vậy, các quy định của bộ Quy tắc ứng xử cũng là những chuẩn mực đạo đức xã hội, không mang tính ràng buộc về pháp lý. Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định: Bộ Quy tắc không đi ngược lại cam kết của Nhà nước về các quyền tự do báo chí, ngôn luận, kinh doanh… mà Việt Nam đã tham gia. Mục tiêu của bộ Quy tắc là xây dựng “khế ước” tương tác với nhau để tạo ra môi trường văn hóa trên mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Việt Nga

VietBao.vn