Theo ông Harpreet Singh, đại diện Nokia khu vực Bắc Á, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác nhân của nó là công nghệ kết nối 5G. Ở giai đoạn đầu, tính từ cuối 2018, 5G chủ yếu hiện diện trên các thiết bị di động như smartphone. Đến 2020, các ứng dụng 5G sẽ trở nên thịnh hành nhờ tốc độ cao, tự động hóa.
Từ năm 2022 sẽ là giai đoạn của những công nghệ như Internet haptic (cảm giác, xúc giác), giúp người dùng có thể cảm thấy những gì mình nhìn thấy. Ví dụ, trong y tế, khi dùng robot để khám bệnh từ xa, bác sĩ có thể cảm nhận được nhiệt độ, bề mặt da của bệnh nhân như khi đang khám trực tiếp.
Ảnh: FTech
Tuy nhiên, Nokia cho rằng mọi người cần thoát khỏi suy nghĩ “2G thì sẽ đến 3G, 4G và tất nhiên là 5G”, bởi 5G rất khác so với các “G” trước. 5G không phải là sự thay đổi đột ngột từ 4G, mà là một hành trình dài.
Kết nối 2G lên 3G là việc chuyển từ dịch vụ thoại đơn thuần sang việc bổ sung dữ liệu và các dịch vụ Internet cơ bản. Từ 3G đến 4G mang đến dịch vụ Internet di động nhanh hơn. Trong khi đó, 5G bao gồm ba khía cạnh cơ bản: tốc độ truy cập Internet cao hơn, có thể lên đến hơn 10Gb/giây; giao tiếp giữa máy và máy còn ở các thế hệ trước đơn thuần là liên lạc giữa con người; và thứ ba, các dịch vụ tức thời nhờ độ trễ trên 5G có thể giảm đi hàng chục lần so với 4G.
Trước đây, các nhà mạng đơn thuần cung cấp dịch vụ viễn thông cho con người. Nhưng với ba đặc tính của 5G, họ có rất nhiều cơ hội tạo ra doanh thu mới trong nhiều ngành kinh tế khác nhau, nhất là khi số lượng cảm biến sẽ lên đến hàng tỷ từ thiết bị cá nhân cho đến thiết bị công cộng.
Dù 4G mới bắt đầu được triển khai ở Việt Nam và vẫn chưa được khai thác tối đa, ông Singh nhận định Việt Nam có thể thử nghiệm 5G ngay trong năm 2020 và đến 2021-2022 có thể thương mại hóa.
“5G là một hành trình và chúng ta không chờ đến khi chín muồi mới triển khai. Chúng ta đi từng bước để tiến đến đích”, ông Singh cho hay. Với quan niệm này, Nokia cho biết muốn đồng hành cùng các nhà mạng để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp cận công nghệ 5G.
Trong sự kiện Innovation Roadshow tại Hà Nội cuối tháng 5, Nokia giới thiệu một loạt giải pháp công nghệ 5G mới, như chipset có tên ReefShark với khả năng đảm bảo dung lượng dữ liệu tăng cao, đồng thời giảm kích thước thiết bị và giảm độ tiêu thụ năng lượng của thiết bị.
Một giải pháp đáng chú ý khác là mạng siêu nhỏ gọn (Ultra Compact Network). Đây là một mạng LTE hoàn chỉnh gồm radio, mạng lõi, ứng dụng, có thể được triển khai trong vòng vài phút để cung cấp các dịch vụ thoại, video và dữ liệu băng rộng, dùng cho dịch vụ công và các khách hàng LTE tư nhân. Giải pháp này được đánh giá phù hợp với Việt Nam, như khi xảy ra thiên tai, lũ lụt dẫn đến các sự cố về viễn thông, nhà mạng chỉ mất 30 phút để đưa Ultra Compact Network vào sử dụng.
Nokia hiện hợp tác với hơn 50 nhà mạng trên toàn thế giới để trình diễn và kiểm chứng công nghệ, hướng đến triển khai thương mại trong thời gian tới.
Châu An