Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy kỳ World Cup năm nay có một sự khác biệt “nho nhỏ”. Lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ video hỗ trợ trọng tài – Virtual Assistant Referee (VAR) được đưa vào sử dụng tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh để giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác hơn. Và chỉ sau vài ngày, công nghệ này đã tạo ra rất nhiều tranh cãi.
Theo Thenextweb, trên thực tế, công nghệ VAR đã gây tranh cãi từ trước khi nó ra mắt, rồi khi nó được áp dụng tại giải FA Cup của nước Anh hay giải bóng đá số 1 nước Đức Bundesliga, và giờ là World Cup 2018. Bóng đá – môn thể thao vua và là món ăn tinh thần của hàng tỷ người trên khắp thế giới – đã tồn tại từ rất lâu, và những quyết định sai lầm của trọng tài đã trở thành một phần của nó. Việc áp dụng VAR, hiển nhiên, sẽ khắc phục (hoặc ít nhất là giảm thiểu tối đa) được điều đó, giúp cho trận đấu trở nên công bằng nhất có thể. Nhưng đồng thời, nó cũng khiến nhiều người phải lo sợ, rằng bóng đá đang thay đổi quá nhanh và khiến người hâm mộ bị bỏ lại phía sau.
Quyền quyết định vẫn là của trọng tài
VAR là công nghệ được sinh ra nhằm giúp các trọng tài đưa ra quyết định một cách chính xác nhất có thể. Trong trận đấu, các trợ lý trọng tài sẽ ngồi ở một căn phòng chuyên biệt để liên tục theo dõi tình hình trên sân qua nhiều góc quay. Bằng tai nghe không dây, họ sẽ liên lạc với trọng tài chính và đóng vai trò cố vấn cho những sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến cục diện trận đấu. Cụ thể, VAR sẽ chỉ hỗ trợ trọng tài trong 4 trường hợp: bàn thắng, phạt đền (penalty), thẻ đỏ và phạt nhầm cầu thủ. Nhưng trọng tài vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong năm 2017, VAR lần đầu tiên được giới thiệu tại FA Cup và nó đã nhanh chóng bị các cầu thủ và huấn luyện viên chỉ trích vì “phá hỏng một trận đấu đẹp”. Trong trận tứ kết giữa Tottenham và Rochdale, một bàn thắng của Tottenham đã được trọng tài công nhận, nhưng sau khi nhờ sự trợ giúp của VAR, bàn thắng này đã bị hủy bỏ vì lý do không rõ ràng, khiến các cầu thủ và người hâm mộ tỏ ra khá tức giận.
Số phận của VAR cũng chẳng “khá khẩm” hơn tại Bundesliga. Trong trận đấu giữa Mainz 05 và SC Freiburg, khi hai đội vào phòng thay đồ để nghỉ giữa trận, trọng tài sau khi tham khảo VAR đã yêu cầu cả hai quay trở lại sân để thực hiện một quả phạt đền.
Và trong kỳ World Cup năm nay, những ý kiến trái chiều về VAR lại tiếp tục nổ ra. Công nghệ này đã bị chỉ trích vì không cho Thụy Sĩ được hưởng quả phạt đền trong trận đấu với Brazil, hay bất ngờ “biếu” cho đội tuyển Pháp một quả phạt đền trong trận đấu với Úc.
Sự “số hóa” của bóng đá
Trong vài thập kỷ qua, dường như mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta đều đã bị “số hóa”, bóng đá cũng không phải ngoại lệ, từ cách mà chúng ta xem các giải bóng đá, cách chúng ta mua vé cho đến khả năng phân tích và đo lường màn trình diễn của một đội nào đó.
Ngày nay, các đội đã có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu về cách mà một cầu thủ nam/nữ nào đó thể hiện trong các màn tập dượt và trong những trận đấu chính thức. Huấn luyện viên có thể sử dụng dữ liệu này để điều chỉnh chiến lược của mình. Và ngay cả khi trận đấu đang diễn ra, công nghệ cũng cho phép một lượng lớn dữ liệu được thu thập và xử lý theo thời gian thực, như cầu thủ này đã chạy được bao nhiêu, tỉ lệ chuyền thành công, khả năng truy cản,… Nhiều người lo rằng, tương lai của bóng đá sẽ trở thành một nơi đen tối, khi một đội bóng mà các cầu thủ được chọn và cách họ thi đấu đều là “do dữ liệu bảo vậy”.
Số hóa là một trong những lý do quan trọng khiến bóng đá biến đổi từ một bộ môn giải trí và cống hiến thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 1,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Bạn có thể nhìn sang eSports, hiện đang là ngành công nghiệp trị giá 400 triệu USD, để xem khi thể thao bị số hóa sẽ trở thành thế nào.
Nhưng với VAR, nhiều người cảm thấy rằng số hóa đã đi quá xa và khiến bóng đá trở nên thiếu tự nhiên. Thật kỳ lạ khi người hâm mộ phải nín thở chờ đợi VAR để xem bàn thắng có được công nhận hay không rồi mới ăn mừng. Nhiều môn thể thao, đặc biệt là bóng đá có những di sản mang tính biểu tượng, và số hóa đang là thứ đe dọa chúng. Với sự phát triển của internet vạn vật kết nối (IoT), thực tế ảo và thực tế tăng cường, tình hình thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.
VAR có thể khiến bóng đá công bằng hơn (hoặc không), số hóa có thể làm cho bóng đá sinh lời nhiều hơn, đồng thời cải thiện khả năng của các cầu thủ và các chiến lược gia. Nhưng những “tiến bộ” như vậy cũng làm ảnh hưởng đến sự phấn khích và tinh thần cốt lõi của bóng đá. Khi công nghệ vẫn không ngừng phát triển, liệu có một ngày bóng đá mất đi thứ ma thuật khiến hàng tỷ người trên thế giới phải say mê hay không?
VH