Sendo nhận được khoản đầu tư lớn từ các đại gia Nhật Bản.
Theo thông tin từ Nikkei, 8 nhà đầu tư bao gồm SBI Holdings, Daiwa PI Partners, SoftBank Ventures Hàn Quốc, Beenos và các tổ chức thương mại điện tử xuyên biên giới tại Nhật Bản đã quyết định đầu tư mạnh tay vào thị trường Việt Nam với số tiền lên đến 51 triệu USD.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư từ Hồng Kông và châu Á cũng tham gia vào thương vụ được xem là một trong những vòng góp vốn lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, các khoản đầu tư cá nhân của họ vẫn chưa được công khai.
Sendo.vn ra mắt vào năm 2012, là một sản phẩm thuộc tập đoàn FPT của Việt Nam, hoạt động theo mô hình C2C – tức mở rộng cửa cho các shop bán hàng hay bất kỳ ai cũng có thể tham gia mua bán với sự đa dạng của các ngành hàng, từ thời trang, mẹ bé, đến điện máy, công nghệ.
Doanh số bán hàng của Sendo trong 3 năm đến 2017 tăng gần gấp hai lần, sở hữu hơn 10 triệu sản phẩm từ khoảng 300.000 người bán. Dự kiến, Sendo sẽ sử dụng các quỹ huy động để mở rộng dịch vụ, nhắm mục tiêu doanh thu hàng hóa trị giá 1 tỷ USD vào năm 2020.
Thị trường TMĐT tại Việt Nam trên thực tế cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 30% mỗi năm, và ngày một thu hút nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực. Năm 2012, Lazada – sàn giao dịch TMĐT đa quốc gia lần đầu tiên đặt chân vào Việt Nam. Năm 2016, Shopee – một sản phẩm từ công ty Garena – nhà cung cấp nền tảng Internet hàng đầu tại Singapore cũng nhảy vào Việt Nam và cho thấy những tác động rõ rệt.
Trong đó, Sendo cũng thực sự là một đại gia nếu xét trên khía cạnh gọi vốn. Tính từ 2014, Sendo đã nhận được gần 2 tỷ yên (tương đương 18 triệu USD với mức lãi suất hiện nay) từ 3 công ty Nhật Bản bao gồm SBI, và tiếp tục thu hút những nhà đầu tư khác như Daiwa và SoftBank trong vòng gọi vốn lần 2.
Nguyễn Nguyễn
Theo Nikkei