Hiện tại, sản phẩm đang được phân phối tại Đẳng Cấp Digital với giá 9,2 triệu đồng với chế độ bảo hành 12 tháng, cao hơn chút so với mẫu iLife V8S (giá 8,5 triệu đồng). Ở mức giá nhỉnh hơn như vậy, liệu mẫu iLife A8 có sự khác biệt như thế nào với sản phẩm “anh em” iLife V8S.
Thiết kế
So với V8S hay nhiều sản phẩm khác có trên thị trường, A8 có thiết kế thực sự không hề nổi bật. Vẫn là thân tròn quen thuộc và lớp vỏ nhựa có màu đen. Mặt trên được bo viền bằng một lớp nhựa màu bạc, đi kèm là nút bấm tháo khay bụi cùng màu.
Điểm nhấn duy nhất trên A8 là phần camera PanoView 360 4D và nút nhấn “Auto” cho phép người dùng có thể khởi động quá trình hút bụi bất cứ lúc nào.
Cạnh mặt trước A8 cũng được trang bị thanh cảm biến va chạm phía trước giúp robot thay đổi hướng khi chạm vào tường hay các đồ vật trong nhà.
Mặt dưới của sản phẩm cũng khá giống V8S. Chính giữa là tem thông số kỹ thuật của nhà sản xuất cho thấy thiết bị dùng nguồn điện 19V = 0,6A, được sản xuất và lắp ráp tại trung quốc. Hai bên là 2 bánh xe di chuyển chính của robot. Hai bánh này hoạt động độc lập với nhau kết hợp với bánh xe đa hướng hướng ở trên giúp cho robot di chuyển linh hoạt. Ở giữa là bộ phận chổi quét và hút bụi vào của robot, dưới cùng là hộp chứa bụi của máy, hộp chứa bụi này có thể tháo để vệ sinh hoặc lắp hộp nước lau nhà vào cũng khá là dễ dàng. Tuy nhiên, hộp nước lau nhà trên A8 thì phải mua thêm chứ không đi kèm theo máy.
Trên A8 vẫn có 2 chổi quét ven ở bên. Chổi này sẽ quét dọn từng ngóc ngách trong nhà, nhất là chân tường và các góc khuất. Nhưng để ý kỹ 1 chút thì có thể thấy các thanh chổi quét hơi dài nên khi quét có thể làm bắn rác hoặc bụi ra xung quanh.
Đối xứng với bánh xe đa hướng là 2 điểm tiếp xúc với dock sạc tự động. Ở phần cạnh rìa của robot là ba cảm biến hồng ngoại giúp robot nhận biết được khi đến cầu thang, chống rơi. Khá đáng tiếc là chú robot này thiếu cảm biến đo chiều sâu nên khi gặp những thành nhỏ hoặc điểm ngăn cách trên sàn như thì đôi khi robot quay đầu lại, không tự động chèo qua như những robot có cảm biến đo chiều sâu.
Phía bên cạnh máy có một công tắc để bật/tắt robot và 1 jắc để cắm sạc.
Phụ kiện bên trong hộp ngoài sạc và dock còn có sách hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh, 2 cánh chổi quét ven, 1 tấm màng lọc thay thế gắn trong hộp bụi, một chổi vệ sinh, một điều khiển từ xa đi kèm pin và giấy bảo hành từ nhà phân phối.
Trải nghiệm sử dụng
So với V8S vốn rất nhiều tính năng và nhiều chế độ hoạt động, A8 đơn giản hơn hẳn. Chú robot này cũng có khả năng lau nhà và cũng chỉ có 4 chế độ lau dọn gồm (Auto – chế độ tự động, Point – chế độ lau xung quanh một điểm, Max – chế độ lực hút mạnh và Self charge – tự tìm về dock sạc khi gần hết pin).
Trải nghiệm sử dụng bởi vậy trở nên vô cùng đơn giản. Dựa vào kinh nghiệm của chúng tôi trong quá trình thử nghiệm, bạn có thể sử dụng A8 theo cách thông thường nhất: cắm dock sạc tự động, hẹn giờ và để robot tự hút căn phòng/tầng của bạn.
Nếu cần lau nhiều tầng, bạn chỉ cần cầm robot đưa sang tầng mong muốn. Do có cảm biến khá thông minh nên A8 sẽ không bao giờ gặp tình huống tự rơi xuống cầu thang gây hư hại cho máy.
Cũng giống như các sản phẩm của iLife, A8 được bán kèm một chiếc điều khiển, nơi tập trung phần lớn các tính năng của máy. Bạn có thể thực hiện điều khiển robot một cách thủ công nhưng chỉ có thể tiến về phía trước và rẽ trái/phải. Cá nhân người viết cho rằng đây chỉ là tính năng được thêm thắt phòng trường hợp hãn hữu là robot bị kẹt ở đâu đó và người dùng không muốn… đứng dậy đưa robot ra chỗ khác.
Khả năng hút bụi và điều hướng
Với số lượng tính năng hạn chế như vậy, tại sao iLife A8 vẫn được bán với mức giá ngang ngửa V8S, thậm chí là còn đắt hơn một chút? Câu trả lời đến từ một câu hỏi đơn giản: Liệu bạn có sẵn sàng hy sinh các tính năng để có trải nghiệm hút bụi hoàn thiện hơn hay không?
Tính năng quan trọng nhất của robot hút bụi vẫn là hút bụi tự động và trên khía cạnh này, cảm biến PanoView của iLife thực sự đã phát huy tác dụng tốt. Quan sát của chúng tôi cho thấy A8 có thể tìm đường một cách thông minh để đi hết diện tích cần hút bụi, tránh các chướng ngại vật (bao gồm cả gầm bàn, gầm ghế quá thấp cho robot) và cũng ít khi di chuyển lại vào các vị trí đã lau trước đó. So với chế độ Auto trên V8S, chế độ Auto của A8 thông minh hơn.
Chính khả năng tìm đường này cũng sẽ giải quyết một vấn đề khác: đó là về thời lượng pin. Với dung lượng 2600 mAh, pin của A8 thực chất chỉ ngang ngửa pin smartphone; thời lượng hoạt động cũng chỉ khoảng 90 phút. Nhưng do điều hướng tốt nên A8 ít khi gặp tình trạng “hút đi hút lại” một chỗ giống như V8S ở chế độ Auto (chúng tôi thường sử dụng V8S ở chế độ Path), nhờ đó không tốn quá nhiều thời gian mà vẫn hút sạch bụi được trong căn phòng. Khi “cảm thấy” căn phòng đang hút/quét đã sạch, chú robot này sẽ tự động tìm đường về đế sạc tự động để sạc sẵn sàng cho lần hoạt động tiếp theo.
Độ sạch và tiếng ồn
Một đặc điểm khác cũng được iLife quảng bá khá rõ rệt là tiếng ồn. So với V8S hay các sản phẩm đối thủ, A8 tạo tiếng ồn ít hơn trong quá trình hoạt động. Ngay cả ở chế độ MAX mode, tiếng ồn của A8 vẫn thua xa máy hút bụi cầm tay.
Mặc dù hoạt động không gây ồn nhưng lực hút vẫn khá mạnh. Trong trải nghiệm của chúng tôi, A8 có thể dễ dàng hút các loại bụi bẩn, tóc hay lông chó mèo. Nếu bạn thường cảm thấy… sợ hãi mỗi lần chiếu đèn pin vào gầm giường, hãy để A8 dọn dẹp vị trí này hộ bạn ít nhất 1 lần/tuần.
Đặc biệt, A8 còn được trang bị thêm một chổi ngang làm bằng cao su. Đây là chiếc chổi chuyên dụng dùng để vệ sinh trên thảm và sàn gỗ, sàn gạch men. Chổi này có các đường lưỡi gạt bằng silicon mềm để quét rác và các mảnh vụn trên sàn gỗ hay sàn gạch men. Trong quá trình hoạt động, các lưỡi gạt mềm của chổi đóng vai trò như chiếc gạt mưa trên kính lái xe ô tô, liên tục miết và gạt trên bề mặt sàn để thu bụi bẩn cũng như các mảnh vụn.
Ngoài ra chiếc chổi này có ý nghĩa đặc biệt nếu như robot hút bụi của bạn thường xuyên gặp rắc rối vì mắc phải tóc rụng khiến chổi bị kẹt. Nếu bạn chỉ bị rụng tóc ngắn và nếu bề mặt nhà có cả thảm lẫn bề mặt cứng như gỗ hoặc gạch thì chổi loại thường vẫn sẽ đem lại kết quả tốt hơn.
Đáng tiếc rằng không phải mọi khía cạnh của A8 đều tốt. Do thân hình khá nhẹ ký nên khay chứa bụi chỉ có dung tích 0,3 lít. Dù sao thì đây cũng không phải điểm trừ quá trầm trọng, bởi nếu duy trì nhịp làm sạch hàng tuần thì bạn vẫn sẽ chỉ phải thay khay hút bụi 1 lần/1 tuần thôi.
Kết luận
Ở mức giá 9,2 triệu đồng, iLife A8 thuộc vào phân khúc tầm trung của thị trường robot hút bụi và cũng khó có thể coi là một thứ đồ gia dụng “mua không cần nghĩ” tại Việt Nam. Đây là sản phẩm không giàu tính năng mà tập trung vào hoàn thiện những trải nghiệm cơ bản. Trong trải nghiệm thực tế, sản phẩm có khả năng điều hướng thông minh, hút sạch bụi/tóc và tiếng ồn thấp hơn đáng kể đa phần các robot hút bụi khác.
Điểm mạnh:
+) Điều hướng thông minh nhờ cảm biến PanoView.
+) Hút sạch bụi, tiếng ồn thấp.
+) Lựa chọn chổi cao su giúp giảm nguy cơ mắc lông/tóc.
Điểm yếu:
-) Chưa đa dạng tính năng phụ trợ.
-) Chưa có cảm biến đo chiều sâu
-) Chổi quét ven khá dài
Đào Trường