Chiều 28/05, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có buổi thăm và làm việc với FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ của tập đoàn FPT.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã lắng nghe kinh nghiệm triển khai thành công chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh và định hướng thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Hiện đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng, góp phần tiết kiệm mỗi năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính.

Chính phủ điện tử,Chính quyền điện tử,Cách mạng Công nghiệp 4,Dịch vụ công trực tuyến
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ tầm quan trọng của việc triển khai chính quyền điện tử tại Việt Nam.

Nếu tính riêng chi phí gửi nhận văn bản, số tiền tiết kiệm được mỗi năm đã lên đến gần 15 tỷ đồng. Hiện Quảng Ninh có hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 ngàn hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình mỗi năm trên 70 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu trên mỗi giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Trước những kết quả trên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh. Bộ trưởng cũng đề nghị FPT hỗ trợ tỉnh làm sâu rộng mô hình chính quyền điện tử tại đây để biến Quảng Ninh trở thành mô hình thí điểm trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số nhờ mật độ sử dụng Internet khá cao. Chính phủ Việt Nam đang hướng đến việc xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền, khắc phục tình trạng người dân phải nộp phí “bôi trơn” khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất…

Chính phủ điện tử,Chính quyền điện tử,Cách mạng Công nghiệp 4,Dịch vụ công trực tuyến
Người dân sẽ được hưởng lợi bởi chính quyền điện tử nhờ việc triển khai rất nhiều các dịch vụ công trực tuyến.

Năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được LHQ xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193.
Theo phân tích của hãng nghiên cứu thị trường quốc tế Gartner, chính phủ số được chia thành 5 mức với các độ trưởng thành tăng dần. Trong đó, chính phủ điện tử là mức sơ khai nhất của chính phủ số (mức 1), chính phủ số hoàn chỉnh được đặt ở mức 4.
Chính phủ điện tử tập trung vào tạo ra sự hiệu quả hoạt động của Chính phủ từ vận hành đến cung cấp dịch vụ công. Khi chuyển đổi lên mức cao nhất là Chính phủ số, mô hình này sẽ tập trung sinh ra các giá trị cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua cải cách và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số (ví dụ: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động, điện toán đám mây…) như một phần của việc hiện đại hoá các chiến lược của chính phủ nhằm tạo ra các giá trị công. 
Chính phủ số được xây dựng trên một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế, các hiệp hội và công dân nhằm hỗ trợ việc tạo ra và sử dụng dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ.
Trọng Đạt