Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN lần thứ 14 (AMRI-14) năm 2018 với chủ đề “ASEAN kỹ thuật số, hội nhập và đầy đủ thông tin” vừa khai mạc ngày 10/5 tại Singapore. Hội nghị có sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN và 3 nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị này.

AMRI-14 đã chỉ ra những mục tiêu bước đầu quan trọng đưa ASEAN vào kỷ nguyên kĩ thuật số.

Một khu vực năng động và tăng trưởng mạnh
ASEAN vốn từng hàm chứa vô vàn yếu tố phức tạp vào thập kỷ 60 của thế kỉ 20, giờ đây đã trở thành khu vực phát triển hết sức năng động, là điển hình của môi trường hòa bình, an ninh, và những nỗ lực tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng, vượt qua mọi dự đoán.
Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, ASEAN giờ đây đang thẳng tiến tới vị trí thứ 4 vào năm 2030. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định khoảng 5,2% hằng năm từ nay tới năm 2022, đồng nghĩa với việc là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với những mũi nhọn chính là Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, bên cạnh phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế, ASEAN cần sẵn sàng ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của thế giới, mà trước mắt chính là sự hình thành của nền kinh tế kĩ thuật số, cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Sở hữu dân số trẻ và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, ASEAN đang thuận lợi hơn bao giờ hết trong việc nắm bắt những cơ hội “vàng” của mình.
Thực tế, theo những thống kê mới nhất về kinh tế kĩ thuật số do Google và Temasek (Singapore) thực hiện, ASEAN hiện là khu vực có tốc độ phát triển Internet hàng đầu thế giới. Số người dùng Internet đang tăng nhanh, từ khoảng 260 triệu vào năm 2016, sẽ lên tới 480 triệu vào năm 2020. Song song với đó, nền kinh tế Internet của ASEAN từ chỗ chỉ chiếm 2% GDP toàn khối vào năm 2017, được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần, lên 6% – tương đương 200 tỷ USD, vào năm 2025.
Diễn ra trong bối cảnh ấy, không lạ khi Hội nghị AMRI-14 đã đề ra ba mục tiêu cụ thể: phát triển nền kinh tế kĩ thuật số thông qua việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng tối đa công nghệ số trong việc tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới; xây dựng một cộng đồng kĩ thuật số đầy đủ thông tin, thông qua việc tạo điều kiện để người dân ASEAN truy cập và khai thác thế giới số một cách dễ dàng nhất; xây dựng hệ sinh thái kĩ thuật số đủ tin cậy nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân.
Xây dựng nền kinh tế số hóa hội nhập và hiện đại
Mục tiêu thứ nhất này đang hết sức cấp thiết, trong bối cảnh công nghệ đang biến đổi kinh tế toàn cầu một cách nhanh chóng. Một điều đáng mừng là nhiều quốc gia ASEAN cũng đã sẵn sàng các kế hoạch nhằm nâng cao năng lực kĩ thuật số của mình.
Trong đó, một số ví dụ nổi bật có thể điểm tới như: Brunei với “Chiến lược chính phủ kĩ thuật số” bao gồm các đề án phát triển các dịch vụ số, cung cấp định danh điện tử duy nhất cho mọi công dân và các đơn vị kinh doanh, cải thiện công cụ và quy trình quản lý thông tin; hay dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế kĩ thuật số của Myanmar, quốc gia vốn có tới 90% dân số đã kết nối internet băng thông rộng trong 3 năm qua. Về phần mình, Campuchia cũng đã vạch ra lộ trình xây dựng nền kinh tế kĩ thuật số, tập trung đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tăng cường đào tạo kĩ năng kĩ thuật số.
Không chỉ đánh giá cao động thái riêng của từng quốc gia, AMRI-14 còn kêu gọi các thành viên ASEAN tích cực hợp tác nhằm xây dựng một nền kinh tế số năng động và mạnh mẽ. Trong đó, một số lĩnh vực khả thi như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc trao đổi thông tin xuyên biên giới; kết nối cơ sở dữ liệu nhận diện ky thuật số giữa các quốc gia; hay tích hợp các cơ chế kiểm soát hải quan.

Phó Chủ tịch AMRI-14, Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Thái Lan Kobsak Pootrakoo chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển kĩ thuật số tại Thái Lan.

Thực tế, các cuộc họp chung gần đây đã xây dựng được nhiều tiền đề quan trọng, như “Hàng lang băng thông rộng ASEAN” nhằm nâng cấp các mạng viễn thông, đưa kết nối internet tới nhiều khu vực xa xôi với mức giá dịch vụ ngày càng rẻ hơn. Hồi năm ngoái, các nước thành viên cũng đã thống nhất theo đuổi kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực quản lý dữ liệu của các doanh nghiệp, khuyến khích sáng tạo dữ liệu và truyền tải thông tin trong nền kinh tế số.
Tăng cường hợp tác nội khối trong lĩnh vực TT&TT
Bước qua năm thứ 14, AMRI đã xây dựng thành công nhiều tiền đề quan trọng, hướng tới xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật số mạnh mẽ và dễ tiếp cận. Trong những cuộc họp gần đây nhất, ASEAN đã thảo luận và đưa ra định hướng chuyển đổi sang mô hình phát sóng truyền hình sử dụng tiến hiệu số tới năm 2020. Động thái này sẽ giải phóng các dải tần, tạo điều kiện cải thiện năng lực của các mạng viễn thông hiện có, cũng như dành tài nguyên đầu tư cho các công nghệ tiên tiến hơn (như 5G), từ đó tạo điều kiện phát triển cho những sản phẩm và dịch vụ hết sức mới mẻ, đầy tính sáng tạo.
Trong năm 2017, Việt Nam cũng đã ngừng phát sóng tín hiệu tương tự (analog) tại thêm 15 tỉnh thành, trong khi tới đầu năm 2018, Malaysia đã số hóa việc phủ sóng truyền hình trên khoảng 85% lãnh thổ. Tại Singapore, chính phủ cũng đưa ra mốc ngắt hoàn toàn loại tín hiệu cũ kĩ này kể từ ngày 31/12/2018 tới, đồng thời tích cực hỗ trợ khoảng 400.000 hộ gia đình chuyển sang sử dụng TV kĩ thuật số đời mới.

Không chỉ tạo ra môi trường truyền dẫn thống nhất, việc chuyển đổi sang hạ tầng truyền hình kĩ thuật số sẽ đem tới cho người dân trên khắp ASEAN những trải nghiệm truyền hình tốt hơn, ở độ phân giải cao. Bản thân những thành tích nói trên cũng cho thấy ASEAN luôn có thể tìm thấy tiếng nói chung trong các mục tiêu, từ đó nâng cao năng lực, và đem tới nhiều lợi ích cho người dân trong vai trò một cộng đồng thống nhất.
Nâng cao mặt bằng trình độ công nghệ của người dân
Để đạt tới những mục tiêu nói trên, không thể không nhắc tới việc xây dựng một cộng đồng kĩ thuật số hòa nhập, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang số hóa một cách mạnh mẽ. Hiển nhiên, nếu không có trình độ và kiến thức đủ tốt, người dân sẽ không thể tham gia vào các hoạt động kinh tế trong thời đại kĩ thuật số lên ngôi, điều này đặc biệt nguy hiểm đối với lực lượng lao động trẻ tuổi.
Nhằm tránh rơi vào tình trạng này, mỗi nước cũng có những động thái riêng nhằm thu hẹp khoảng cách trình độ kĩ thuật số, đồng thời trang bị cho người dân những kĩ năng cần thiết để bước vào thế giới số. Một ví dụ có thể thấy ở Philippines, nơi chính phủ mới đây đã hợp tác với tổ chức Good Things nhằm đào tạo trên diện rộng từ những kĩ năng cơ bản nhất như sử dụng bàn phím, cho tới các giao dịch phức tạp như sử dụng nền tảng thương mại điện tử.

Chuyên gia tại Thư viện Tampines (Singapore) trình diễn một trong các dự án thuộc Pixel Labs, nhằm khuyến khích người dân tìm hiểu về công nghệ thông tin.

Tương tự như vậy, chương trình Thailand 4.0 của chính phủ nước này đã đưa 1.000 chuyên gia Internet tới các vùng xa xôi hẻo lánh để đào tạo người dân về công nghệ số. Không hề thua kém, Lào cũng hợp tác với Microsoft để xây dựng nền tảng trực tuyến phục vụ đào tạo và tuyển dụng. Nền tảng này sẽ trang bị cho giới trẻ Lào những kĩ năng công nghệ thông tin và thương mại cần thiết, cho phép họ học hỏi và tham gia tích cực vào nền kinh tế số đầy mới mẻ.
Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả có lẽ là tại Singapore, quốc gia dù đã có tới 91% hộ gia đình và 84% người dân tiếp cận internet, nhưng chính phủ vẫn đang tiến hành Digital Readiness Blueprint, với tham vọng trang bị cho 100% công dân khả năng truy cập thế giới số, giúp họ kết nối và giao tiếp với nhau thông qua các công nghệ số. Chưa dừng ở đó, Singapore cũng liên tục tăng cường giáo dục, nâng trình độ kĩ thuật số của người dân và trang bị cho họ những kĩ năng cần thiết, giúp mỗi cá nhân có thể tự tin và có thêm động lực tiếp cận công nghệ mới, cải thiện cuộc sống.
Trong bối cảnh mỗi quốc gia đều có một hướng tiếp cận chung nhưng thông qua các hình thức rất phong phú và đa dạng, việc hợp tác với nhau sẽ đem tới nhiều lợi ích, trong đó nổi bật là khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong việc hiện thực hóa các ý tưởng riêng. Qua đó, các nước sẽ chung tay xây dựng một cộng đồng khu vực hội nhập và đầy đủ thông tin. Đây cũng chính là nội dung chính của đề xuất “Giá trị cốt lõi của trình độ kĩ thuật số cho ASEAN” được thông qua trong khuôn khổ AMRI-14.
Xây dựng hệ sinh thái số đáng tin cậy
Để việc truyền tải thông tin được an toàn, thông suốt, đồng thời tạo ra môi trường an toàn cho người dân, ASEAN cũng nhắm tới việc xây dựng một hệ sinh thái số đủ tin cậy. Đây là động thái nhằm đảm bảo mọi thông tin mà người dân tiếp cận, dù là đọc, học hay sử dụng trên mạng Internet đều đáng tin cậy và không dẫn dắt tới những quan điểm sai trái.

Touch Cyber Wellness – một dự án giáo dục về sức khỏe và tâm lý giới trẻ trong môi trường số hóa,đang rất được quan tâm tại Singapore.

Những năm qua, truyền thông số đã trở thành nguồn thông tin chính của người dân ASEAN, đặc biệt là với giới trẻ. Nghiên cứu mới đây của YouGov đã chỉ ra rằng, tại Thái Lan, hơn 54% người dân chia sẻ tin tức trực tuyến ít nhất 1 lần trong ngày. Con số này tại Việt Nam và Indonesia cũng rất cao, tương ứng 50% và 44%. Việc nguồn thông tin trở nên phân tán khiến nhu cầu tham chiếu các kênh nội dung chính thống không còn cao. Vì vậy, việc “chuẩn hóa” thông tin cần những thay đổi để phù hợp với những thách thức mới, mà một trong số đó chính là tin tức giả mạo.
Trong những năm qua, vấn nạn tin tức giả mạo đã và đang ám ảnh nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, đặc biệt là về chính trị. Trong khi đó, các công cụ lọc web hiện nay chưa hề có thuật toán phù hợp để ngăn chặn tin giả và ưu tiên tin “thật”, điều này đã vô tình tiếp thay cho việc phát tán những thông tin không trung thực, gây thiệt hại lớn cho kinh tế, xã hội. Như thế, các đại biểu AMRI-14 cho rằng, người dân các nước phải chuyển mình từ chỗ yêu công nghệ thành các chuyên gia về thông tin, yếu tố vô cùng quan trọng khi ASEAN tiến vào môi trường số. Nói cách khác, họ phải học cách nhận diện thông tin, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ của môi trường kết nối.
Để giải quyết bài toán này, mỗi quốc gia tự có những bước đi thú vị. Malaysia mới đây tung ra phiên bản di động của cổng tham vấn thông tin sebenrnya.my, cho phép người dân kiểm tra nguồn gốc và độ chính xác của các thông tin họ đọc, đồng thời gửi lên các câu hỏi yêu cầu kiểm chứng về bản tin hay dữ liệu mà họ quan tâm. Tại Indonesia, một nhóm cộng đồng có tên gọi MAFINDO đã lập nhóm Facebook chuyên xác minh thông tin nghi vấn trên mạng xã hội. Nhóm này giờ đây đã tuyển dụng 6 người với chuyên môn tốt, kèm 1 lập trình viên để tạo ra cơ chế tìm kiếm trực tuyến chỉ cho ra kết quả từ các trang tin “sạch”. Nổi bật hơn cả, Singapore đã thành lập Ủy ban lựa chọn nghị viện, nhằm xử lý các nội dung giả mạo theo tố cáo của các công ty công nghệ, cộng đồng dân cư, sinh viên…
Cũng trong AMRI-14, Tuyên bố chung nhằm giảm thiểu tác hại của tin tức giả mạo đã nhận được sự nhất trí cao. Tuyên bố khẳng định sự thiết yếu của việc đào tạo và nâng cao cảnh giác của người dân về tin tức giả mạo; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động phát hiện và xử lý tin tức giả mạo; xây dựng những cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, với sự tham gia của các ngành có liên quan. Hơn tất cả, hoạt động tuyên truyền sâu rộng về việc phòng chống các tác hại của thông tin giả mạo là trách nhiệm chung của cộng đồng sẽ giúp cả ba công tác nói trên trở nên hiệu quả hơn.

Hơn bao giờ hết, ASEAN cần đoàn kết nhằm đối phó với các thách thức của cuộc cách mạng số hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên toàn cầu.

Cho đến nay ASEAN là tiếng nói mạnh mẽ với trong việc tự do hóa và mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên vẫn cần tăng cường hợp tác, nỗ lực tạo ra thị trưởng mở, thúc đẩy hợp tác kinh tế, xây dựng môi trường kĩ thuật số kết nối hiệu quả và an toàn. Bởi lẽ, chỉ có thế mới đưa được kinh tế ASEAN kết nối và trở thành một bộ phận không thể thiếu của kinh tế thế giới. Điều đó cũng sẽ tạo ra những cơ hội vàng cho các quốc gia cũng như người dân trên khắp lãnh thổ ASEAN.

Hoàng Linh