Bloomberg trích số liệu từ CoinSchedule cho hay các đợt ICO gọi vốn cho startup blockchain từ đầu năm đến nay đem về được 18 tỉ USD, gần gấp năm lần so với tổng số tiền huy động được trong cả năm ngoái. Song không như năm 2017, số tiền huy động trong năm nay tăng là vì các đợt chào bán lớn nhắm đến giới đầu tư giàu có, thay vì mở ra với bất cứ ai có kết nối internet.

Đơn cử, Telegram gọi vốn được 1,7 tỉ USD bằng cách bán riêng cho các nhà đầu tư được công nhận (tức những người có tài sản ít nhất đạt 1 triệu USD). ICO này không mở đợt chào bán ra đại chúng. Trong số 10 ICO lớn nhất năm nay do CoinSchedule xếp hạng có Tatatu đem về được 575 triệu USD, và Basis đem về được 133 triệu USD. Cả hai đều huy động tiền qua các vòng gọi vốn dành riêng cho giới nhà giàu.

Vì sự giám sát pháp lý ngày càng gắt gao, nhiều startup cho rằng gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, những người ngày càng quan tâm đến tài sản mã hóa, thì đơn giản hơn. Điều này khiến tiền mã hóa bớt “hoang dã”, và giống với kiểu đầu tư mạo hiểm truyền thống.

Ban đầu, ICO là cách để các hãng khởi nghiệp blockchain gọi vốn bằng cách bán đồng token, những đồng có thể dùng để mua dịch vụ mà startup cung cấp. Những gì mà các nhà sáng lập cần khi đó là xây dựng một trang web, đăng tài liệu mô tả chi tiết dự án (whitepaper), quảng cáo trên mạng xã hội và thu tiền huy động được bằng bitcoin hoặc ethereum. Khi thị trường ICO bùng nổ cùng với sự đi lên mạnh mẽ của bitcoin hồi năm ngoái, quy trình ICO trở nên phức tạp hơn.

ICO tiền mã hóa: Dự án chất lượng cao phải giàu mới mua được? - ảnh 1

Nhiều đợt mở bán tiền mã hóa chỉ có vòng riêng cho các nhà đầu tư giàu có

Ảnh: Bloomberg

Trước hết, các nhà quản lý toàn cầu thêm cảnh giác về gian lận chính sách của các ICO và tình trạng trốn yêu cầu đăng ký như của các đợt chào bán chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều ICO phải tìm luật sư hỗ trợ vấn đề pháp lý, khiến cho việc mở bán công khai đắt hơn rất nhiều. Cách đơn giản hơn và tuân thủ luật hơn là chỉ bán tiền mã hóa cho các nhà đầu tư giàu có, vốn được luật Mỹ miễn đăng ký.

Đồng thời, đợt bùng nổ ICO cũng thu hút sự chú ý ngày càng tăng của giới đầu tư tổ chức, trong đó có các nhà đầu tư mạo hiểm, văn phòng gia đình, quỹ đầu tư tiền mã hóa. Chuyện gọi đủ vốn trở nên dễ dàng nếu các startup blockchain tiếp cận giới này. Khoảng 18% phần vốn ICO huy động được trong năm nay chỉ đến từ các đợt mở bán riêng, và 37% ICO có thực hiện đợt mở bán trước và riêng tư.

Tính cả chi phí dịch vụ pháp lý, tiếp thị và tư vấn, một đợt ICO thành công có thể tốn từ 1 triệu USD đến 3 triệu USD. Trừ Telegram, trung bình các ICO gọi vốn được 30,7 triệu USD tính đến tháng 6 năm nay, theo dữ liệu từ CoinDesk.

Dù vẫn có một số dự án blockchain vẫn tổ chức thành công đợt mở bán đại chúng, rất hiếm dự án có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng tiền mã hóa. Một trong các ví dụ thành công là ICO có mở bán công khai của đồng EOS. Đây là đợt ICO thể được xem là lớn nhất năm nay khi thu về 4 tỉ USD.

Andy Bromberg, CEO CoinList, hãng hỗ trợ các doanh nghiệp gọi vốn thông qua ICO, cho hay: “Chúng tôi chứng kiến sự phân nhánh ngày càng mạnh giữa các dự án chất lượng cao và các dự án chất lượng kém”. Dự án tốt thì hướng về các nhà đầu tư tư nhân và giàu có nhiều hơn, trong khi dự án kém thì khó huy động tiền hơn.

Bloomberg nhận định ICO mất bớt một phần sức mạnh cơ bản, song sự đổi mới của hình thức gọi vốn này vẫn còn có công nghệ vì chúng biến tài sản không có tính thanh khoản thành các đồng tokenc có thể được mua bán. Gian lận, kiện tụng và đà lao dốc của thị trường tiền mã hóa từ đầu năm đến nay cũng thể hiện rõ rằng với một nhà đầu tư nhỏ lẻ bình thường, việc rót tiền tiết kiệm vào ICO có thể không phải là cách hay.