Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế tổ chức triển khai trên toàn quốc việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc vào đầu tháng 7/2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Hôm nay, ngày 25/5/2018, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 21/5 về việc ứng dụng CNTT kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc theo Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và giai đoạn 2017 – 2020”. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Tập đoàn Viettel, lãnh đạo một số Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Trong kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc thực hiện kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm triển khai các chỉ đạo về tăng cường hiệu quả quản lý thuốc tại Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng. Với việc kết nối này, các cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc…
“Việc kết nối các cơ sở cung ứng sẽ làm thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm soát thuốc đối với cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế, đòi hỏi có quyết tâm cao của ngành y tế và chính quyền các địa phương. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận và sự ủng hộ của các cơ sở y tế, cơ sở cung ứng thuốc và của nhân dân trong thực hiện giải pháp này”, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong thời gian từ nay đến hết tháng 6/2018, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc triển khai trước tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên; rút kinh nghiệm, nêu ra các yêu cầu quản lý chuyên môn để Tập đoàn Viettel hoàn thiện về kỹ thuật trước khi triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, tập huấn (bằng văn bản, video…) bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân liên quan đều được hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thực hiện kết nối, không để bất cứ cơ sở nào không kết nối do không được tập huấn, hướng dẫn; đồng thời nghiên cứu, sớm có quy định về hình thức, biện pháp xử lý các trường hợp cơ sở không tha mgia kết nối; lưu ý có giải pháp phù hợp đối với các đối tượng là quầy thuốc, tủ thuốc ở vùng nông thôn, không có máy tính kết nối mạng, kết nối bằng điện thoại di động thay cho máy vi tính…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế tổ chức triển khai trên toàn quốc việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc vào đầu tháng 7/2018. Phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành việc kết nối đối với các nhà thuốc và trạm y tế xã; trong năm 2019 hoàn thành kết nối đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trên phạm vi cả nước.
Bộ Y tế cũng được yêu cầu phải khẩn trương rà soát các Thông tư về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc, khắc phục tình trạng mua bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh, quy định các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn và có lộ trình thực hiện về kê đơn đối với các loại thuốc khác.
Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và giai đoạn 2017 – 2020” được Bộ Y tế ra quyết định phê duyệt ngày 7/9/2017, với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú (đến năm 2020, đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác; đến năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác); đồng thời tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, theo đó đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.