Các khung tính chỉ số BMI
Tại sao BMI không còn là một chỉ số tốt? Chỉ số khối cơ thể (BMI) được phát minh vào những năm 1830 bởi một nhà nghiên cứu người Bỉ, với mục đích ban đầu để xếp loại sức khỏe của một nhóm đông người. Nó có ưu điểm là chỉ sử dụng 2 chỉ số dễ đo đạc là chiều cao và cân nặng, nhưng vẫn phức tạp đủ để bạn phải tính toán bằng máy tính. Mặc dù trong suốt 200 năm qua, chúng ta đã sử dụng chỉ số BMI để đánh giá tình trạng cân nặng lành mạnh, một thực tế dễ bỏ qua, BMI chưa từng được thiết kế để dùng cho cá nhân, mà chỉ dành cho nhóm người. Và đó là nơi mà vấn đề phát sinh. BMI không tính đến chất béo cơ thể hoặc thành phần cơ bắp của bạn, điều đó có nghĩa là nó sẽ cung cấp một phản hồi cực kỳ không chính xác. Ví dụ, khi tính chỉ số BMI cho một vận động viên, khả năng họ sẽ bị rơi vào vòng nguy hiểm màu cam hoặc màu đỏ, đơn giản chỉ vì họ có nhiều cơ bắp hơn người bình thường. Các chuyên gia y tế cộng đồng đã biết về những vấn đề này từ lâu, và nhiều người cho rằng chỉ bằng một phép đo đơn giản, tính chu vi vòng bụng, là có thể giải quyết được khiếm khuyết của BMI. “Để đánh giá sức khỏe, vấn đề không phải là bạn cân nặng bao nhiêu, mà là việc bạn có bao nhiêu mỡ bụng“, một bài viết trên trang web Trường Y Harvard cho biết. Cách đo chu vi bụng Bây giờ, bạn sẽ không còn phải dùng đến máy tính để tính chỉ số BMI sau đó mới biết mình khỏe mạnh hay không. Thay vào đó, chỉ cần một chiếc thước dây là đủ. Hãy hít thở bình thường, quấn thước quanh phần bụng của bạn, cao hơn hông khoảng 5 cm. Đó chính là chu vi vòng bụng của bạn. Nếu là phụ nữ, con số dưới 87,6 cm được coi là lành mạnh. Trong khi đó, với đàn ông là dưới 101,6 cm. Nếu số đo của bạn cao hơn, đó không phải là một bản án tử. Nhưng nghiên cứu chỉ ra nó có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, bao gồm tiểu đường type 2. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 trên tạp chí American Heart Association cho rằng vòng bụng lớn cũng có thể liên quan đến nguy cơ đau tim.
Đo vòng bụng, trên hông khoảng 5cm, để dự đoán tình trạng sức khỏe
Là một phần trong nghiên cứu lớn năm 2012, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của hơn 340.000 người từ tám quốc gia châu Âu. Họ phát hiện ra rằng những người thừa cân có vòng eo lớn – trên 87,6 cm đối với phụ nữ hoặc 101,6 cm đối với nam giới – cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tương tự như những người bị béo phì về mặt lâm sàng. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ hơn nam giới. Đối với nghiên cứu được công bố hồi tháng 3 năm nay, liên quan đến số đo vòng bụng và sức khỏe tim mạch, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ 500.000 người trưởng thành không có nguy cơ bị bệnh tim. Chu vi vòng bụng của người tham gia, chỉ số BMI, và tỷ lệ số đo vòng eo và hông của họ được sử dụng để xác định liệu có sự liên quan giữa bất kỳ chỉ số nào với khả năng bị đau tim của một người hay không. Kết quả cho thấy những người tham gia có số đo vòng bụng lớn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn trong thời gian nghiên cứu kéo dài từ 6 đến 10 năm. Tương tự như nghiên cứu liên kết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và chu vi vòng bụng, mối liên hệ này mạnh hơn ở phụ nữ hơn là ở nam giới. Các nhà khoa học vẫn chưa chắc tại sao chu vi vòng bụng có thể tạo ra một mối liên hệ mạnh mẽ với bệnh tật đến vậy. Một số người tin rằng nó liên quan đến chất béo bên trong cơ thể, còn được gọi là chất béo nội tạng, hay mỡ bụng. Nó có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể chúng ta. Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để loại bỏ mỡ bụng và bảo vệ sức khỏe của mình, các chiến lược khả thi bao gồm: giảm lượng đường và lượng carbohydrate trong chế độ ăn, tiêu thụ nhiều rau cũng như thực phẩm giàu chất xơ và một điều không thể thiếu, thường xuyên tập thể dục. Tham khảo Businessinsider