Nhóm nghiên cứu ở Đại học Macquarie, Australia, phát hiện ra mặt lưỡi sau của thằn lằn bóng lưỡi xanh phương Bắc phản chiếu tia tử ngoại với cường độ cao hơn mặt lưỡi trước.
Phần lưỡi sau thường được giấu kín và chỉ lộ ra vào phút chót của cuộc tấn công. Việc này làm cho chim hoặc rắn, kẻ thù của thằn lằn lưỡi xanh, khiếp sợ bởi chúng có thể nhìn thấy tia tử ngoại.
Thằn lằn bóng lưỡi xanh phương Bắc (Tiliqua scincoides intermedia) sống ở phía Bắc Australia, là loài lớn nhất trong họ thằn lằn bóng lưỡi xanh. Chúng sở hữu khả năng nguỵ trang tuyệt vời nhờ những dải màu nâu trên lưng. Tuy nhiên, chúng vẫn là mục tiêu săn mồi của rắn, chim và kỳ đà.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy phần cuống lưỡi của thằn lằn bóng phát sáng gần gấp hai lần phần đầu lưỡi. Chúng chờ đến khi kẻ săn mồi tấn công ở giai đoạn cuối để phô ra toàn bộ chiếc lưỡi.
“Việc căn thời gian lè lưỡi rất quan trọng”, tác giả chính của nghiên cứu, Arnaud Badiane, cho biết trong báo cáo đăng trên tạp chí Behavioral Ecology and Sociobiology.
“Nếu thực hiện quá sớm, lè lưỡi sẽ phá hỏng màn nguỵ trang của thằn lằn và thu hút sự chú ý không mong muốn từ kẻ săn mồi, tăng nguy cơ bị tấn công. Nếu thực hiện quá muộn, nó có thể sẽ không ngăn chặn được kẻ săn mồi”.