Theo Cnet, cuối tuần trước một quan chức Mỹ cho biết chính quyền nước này đang chuẩn bị quy định mới nhằm giới hạn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Mỹ trong một số “lĩnh vực quan trọng”.
Cụ thể, các công ty có ít nhất 25% quyền sở hữu của Trung Quốc sẽ không được phép tham gia vào quá trình đầu tư, mua lại. Tuy nhiên, ngưỡng 25% này có thể thay đổi trước khi chính sách được công bố. Theo WSJ, quy định mới sẽ áp dụng với các hợp đồng mới chứ không điều chỉnh lại những thương vụ đã được ký trước đó. Đồng thời, nó áp dụng cho cả công ty nhà nước lẫn tư nhân của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm qua 25/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chia sẻ trên Twitter rằng việc giới hạn đầu tư không áp dụng cụ thể cho Trung Quốc mà với tất cả các nước khác đe dọa quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ về công nghệ.
“Tuyên bố sẽ không được cụ thể cho Trung Quốc, nhưng đối với tất cả các nước đang cố gắng ăn cắp công nghệ của chúng tôi”, ông Mnuchin viết.
Lệnh cấm chính thức có thể được đưa ra vào cuối tháng 6 này. Đây là động thái mới nhất trong việc leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuối tuần trước, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ đánh thuế trị giá 50 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc thuộc nhóm “công nghệ công nghiệp quan trọng”. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng lưu ý rằng sẽ đặc biệt loại trừ “hàng hóa thường được người tiêu dùng Mỹ mua như điện thoại di động hoặc TV”. Một số nguồn tin cho biết tổng thống Donald Trump cũng đưa ra lời đảm bảo với CEO Apple Tim Cook rằng chính phủ cũng sẽ không đánh thuế trên iPhone.
Nguyên nhân của mối quan hệ ngoại giao căng thẳng này được cho là bắt nguồn xung quanh vụ việc trừng phạt ZTE. Mới đây, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để phục hồi hình phạt đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc, cũng như từ chối những nỗ lực của tổng thống Trump trong việc xem xét để hãng tiếp tục kinh doanh với các nhà cung cấp tại Mỹ.
Trước đó hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh ngăn cấm các doanh nghiệp Mỹ bán phần cứng hoặc dịch vụ cho ZTE. Lệnh cấm bắt nguồn từ việc chính phủ cho rằng công ty này đã vi phạm lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ với Iran và Triều Tiên.
Mai Anh – Bảo Nam