Người dân Pajau được ví như những người sống du cư trên biển. Những đứa trẻ từ bé đã được thả rong chơi với mẹ biển cả – Ảnh: LE VIF
Thì nay, khảo cứu mới nhất của một nhóm chuyên gia Đan Mạch đã phát hiện ra rằng, khả năng « sống dưới nước » của những cư dân này là nhờ kết quả di truyền qua nhiều thế hệ, và đây được ghi nhận là bước tiến hóa đầu tiên của loài người trên hành tinh để thích nghi với môi trường sống.
Đối với họ, biển cả là nhà. Tin lan truyền rằng người Bajau thở bằng mang như cá, âu cũng có cơ sở. Bởi, từ hơn 1.000 năm nay, họ sinh sống chủ yếu là săn bắt thuỷ hải sản, bằng lao nhọn, với một khả năng lặn ngụp không ai sánh bằng. Cuộc đời họ, từ trẻ đến già, hầu như là đắm mình trong làn nước trong xanh.
Kỷ lục lặn của người Bajau đạt đến độ sâu 70 mét khi mà trên người họ chỉ được đeo thêm một vật nặng và mang cặp kính bơi gọng gỗ làm kiểu thủ công.
Bước tiến hóa kỳ lạ
Từ lâu nay, không ít nhà khoa học đã cất công đến tận nơi nhằm giải mã lối sinh hoạt “thuần nước” của người Bajau mà họ cho là một “kỳ tích” của loài người bởi chúng ta là những sinh vật chỉ sống được trên cạn.
Và mới đây, chìa khóa đã được tìm thấy: người Bajau có lách to hơn so với người bình thường chúng ta.
Trên báo The Independent, nữ tiến sĩ Melissa Ilardo thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) – tác giả của nghiên cứu này, tuyên bố như sau: “Hiện nay chúng ta vẫn chưa biết được tường tận cơ chế sinh lý và hoạt động gen của một cơ quan trong cơ thể chúng ta là lá lách. Nhưng chúng ta biết được rằng ở loài hải cẩu Weddell, được xem những ‘thợ lặn’ xuất sắc của biển cả, lách của chúng cũng to ‘ngoại khổ’. Từ đó, tôi hình dung ra rằng nếu như chọn lọc tự nhiên đã mang đến cho loài hải cẩu này một lách to như thế, thì con người chúng ta khả dĩ cũng có thể hưởng được những đặc ân như thế từ tạo hóa chứ!”.
Đàn ông Pajau chỉ trần trùng trục cùng cái lao nhào xuống biển kiếm miếng ăn cho gia đình – Ảnh: LE VIF
Thôi thúc từ đam mê hiếu kỳ muốn khám phá, cộng với khát khao tìm hiểu được ngọn nguồn vấn đề, nữ tiến sĩ Ilardo đã lên đường sang Indonesia, đến tận làng Jaya Bakti, gần hòn đảo Sulawesi, nơi sinh sống của người Bajau.
Và sửng sốt đầu tiên đã khiến bà bị “choáng”, đó là khi một người đàn ông trung niên đã nói với bà rằng có một hôm anh ấy đã lặn sâu dưới nước, không trồi lên trong vòng 13 phút.
Sinh hoạt thường ngày của cư dân Bajau là lênh đênh trên sóng biển với những con thuyền thô sơ trông thật mỏng manh.
Đó là “nghề” mà cũng là “nghiệp” của họ, được truyền từ đời này sang đời khác. Họ phải săn cá, mực, ở những vùng biển nước sâu mà một thợ lặn bình thường không trang bị gì cả khó lòng mà xuống đến được.
Lách to gấp đôi người thường
Biết được có các nhà khoa học đến tìm hiểu về khả năng “hít thở” của mình dưới làn nước, cư dân Bajau cũng rất háo hức muốn biết rõ “thực hư” về truyền thống lặn biển của mình nên họ rất sẵn lòng tham gia và hỗ trợ nhóm nghiên cứu người Đan Mạch.
Tiến sĩ Ilardo đã sử dụng một máy chụp siêu âm xách tay để đo kích thước lá lách của 59 người Bajau.
Sau đó, bà cũng đã đo kích thước lách của 34 người sống trong một ngôi làng khác trong vùng, tức những người “không phải là Bajau”, mục đích là để đối chiếu so sánh.
Sau khi trở về Đan Mạch, nữ tiến sĩ Ilardo đã phân tích dữ liệu thu thập được và phát hiện ra rằng lách của người Bajau to hơn… gấp đôi so với lách của những người “hàng xóm” của họ!
Trẻ em Pajau đã được rèn luyện từ nhỏ dưới biển như những con thú săn mồi trong rừng sâu được cha mẹ dạy kỹ năng sống sót – Ảnh: LE VIF
Lách là cơ quan điều tiết cơ chế hoạt động lặn của cơ thể con người ở những độ sâu khác nhau. Khi một người ngâm mình trong nước lạnh, nhịp tim của họ sẽ chậm lại, các mạch máu ở tứ chi co lại, và lách cũng co lại.
Khi giảm kích thước, lách sẽ phóng thích thêm vào hệ tuần hoàn một lượng tế bào máu bổ sung rất giàu oxy, giúp cơ thể chống chọi được lâu hơn trong tình trạng bị ngập hoàn toàn trong nước.
Nhóm nghiên cứu đã tính được rằng lách của người Bajau có thể cung cấp thêm cho cơ thể họ khoảng 10% lượng tế bào máu bổ sung cho vòng tuần hoàn so với một người có lách kích thước bình thường.
Ngoài việc đo kích thước lách của người Bajau, tiến sĩ Iladro còn lấy mẫu nước bọt của họ để phân tích cơ sở di truyền từ những khác biệt mà bà đã quan sát được.
Và bà đã xác định được một số lượng lớn trong số các gen của người Bajau, trong đó có gen PDE10A, chi phối việc sản xuất ra hormone tuyến giáp. Nội tiết tố này tác động ảnh hưởng đến kích thước to – nhỏ của lách.
Tiến sĩ Iladro giải thích: “Chúng tôi tin rằng người Bajau đã trải qua một quá trình biến đổi thích nghi trong đó số lượng hormone tuyến giáp của họ đã tăng lên, kéo theo việc gia tăng kích thước của lách. Ví dụ như ở loài chuột, khi bạn tiến hành biến đổi di truyền để chuột không còn hormone tuyến giáp T4, thì kích thước lách của chuột cũng giảm đi, và ngược lại”.
Đàn ông Pajau là những thợ săn cừ khôi dưới biển nhờ khả năng nín thở lâu – Ảnh: LE VIF
Khám phá giúp tìm cách trị bệnh
Hai giáo sư Eske Willerslev và Rasmus Nielsen là cấp trên của nữ tiến sĩ Melissa Ilardo, đã động viên bà rất nhiều trong công trình đặc biệt nói trên, bởi ngoài lý do đây là một nghiên cứu đầu tiên thuộc dạng này được thực hiện trên loài người, thì theo tiến sĩ Nielsen, “thiên nhiên đã thực nghiệm cho chúng ta rồi, chúng ta chỉ có việc là khám phá ra thôi”.
Tiến sĩ Nielsen giải thích: “Những biến đổi mà thiên nhiên tạo ra, nay chúng ta biết được, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm được rằng cơ thể loài người chúng ta ứng phó trước thay đổi rồi sau đó truyền lại cho thế hệ đời sau những biến đổi gen để hậu duệ của mình khi sinh ra đã được trang bị sẵn những khả năng thích nghi tốt nhất trong môi trường sống. Do đó, chúng ta có thể khám phá ra được và học thêm được nhiều điều bổ ích về mối tương tác giữa di truyền và sinh lý cơ thể người”.
Phát hiện kể trên từ người Bajau cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu chuyên sâu trong y học, đặc biệt là trong phương pháp điều trị tình trạng thiếu oxy mô cấp tính, tức là khi lượng oxy trong các mô của cơ thể bị tụt nhanh.
Còn theo giáo sư Willerslev, “chúng ta hiện còn nghiên cứu quá ít về các dân tộc thiểu số trên thế giới. Tôi mong rằng chúng ta sẽ cần phải quan tâm nhiều hơn nữa vấn đề này, vì đây không những mang lại lợi ích cho các cộng đồng dân cư đó mà còn cho cả nhân loại, cho tương lai của tất cả chúng ta trên hành tinh này”.
Những hình ảnh gây choáng về khả năng “lặn như rái” của dân Pajau:
Trẻ em Pajau làm quen với biển cả từ thuở lọt lòng – Ảnh: LE VIF
Đi săn cá, mực là việc dàn cho đàn ông – Ảnh: LE VIF
Tay không bắt… mực nhờ khả năng lặn sâu và lâu – Ảnh: LE VIF
Họ cũng dần thiết kế thêm dụng cụ đánh bắt cho hiệu quả hơn – Ảnh: LE VIF