Sự thay đổi trên khuôn mặt của Hamon sau những ca ghép
Bệnh viện Georges Pompidou ở Paris, nơi cuộc phẫu thuật cuối cùng cho Hamon diễn ra thông báo: Ca phẫu thuật đã được thực hiện vào chiều ngày 15 tháng 1 kéo dài cho tới sáng ngày hôm sau. Nhưng trước đó cả tháng, Hamon đã phải trải qua quá trình lọc để thay máu liên tục. Điều này giúp loại bỏ các kháng thể trong cơ thể anh, thứ có thể khiến khuôn mặt ghép bị đào thải dẫn đến hoại tử. Cho đến tận hôm nay, quá trình theo dõi mới kết thúc, các bác sĩ tuyên bố ca ghép thành công. Và Hamon trở thành người đầu tiên trên thế giới mang trên mình khuôn mặt ghép từ 3 người khác nhau. Jerome Hamon là một người đàn ông Pháp 43 tuổi. Từ nhỏ, anh đã mắc một căn bệnh di truyền khiến khuôn mặt bị biến dạng. Năm 2010, có một người đàn ông 63 tuổi hiến khuôn mặt cho Hamon, và anh đã thực hiện ca ghép đầu tiên của mình. Với bất kỳ loại hình ghép tạng nào, luôn tồn tại một nguy cơ mà hệ miễn dịch nhận ra tạng ghép đến từ cơ thể của người khác và phản ứng chống lại nó. Hệ miễn dịch sẽ giết chết bất kể các cơ quan và tế bào nào không thuộc về cơ thể nó. Tuy nhiên, các loại thuốc ức chế miễn dịch đã giúp ngăn chặn điều đó xảy ra. Cơ thể Hamon chấp nhận khuôn mặt mới. Nhưng vào năm 2015, Hamon bị cảm lạnh. Một bác sĩ đã kê cho Hamon một toa thuốc ảnh hưởng đến những loại thuốc ức chế miễn dịch mà anh đang uống. Hậu quả là vào năm 2016, Hamon có dấu hiệu thải ghép với khuôn mặt mới. Vào tháng 11 năm 2017, các mô trên mặt Hamon bắt đầu hoại tử, do đó các bác sĩ đã gỡ bỏ nó. Trong khoảng 2 tháng, Hamon được giữ trong trạng thái hôn mê mà không có khuôn mặt.
Bệnh nhân Hamon và ekip bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho anh
Bác sĩ của Hamon, Laurent Lantieri ở bệnh viện Georges Pompidou mô tả anh như một xác sống trong bộ phim “The Waking Dead”, không có tai, không mí mắt, không có da. Hamon hầu như không thể nghe được, và không thể nói chuyện hoặc ăn uống. “Nếu bạn không có da, bạn sẽ bị nhiễm trùng”, bác sĩ Lantieri nói. “Chúng tôi rất quan ngại khả năng khuôn mặt mới lại bị thải ghép”. Tuy nhiên, cho tới nay, sau hơn 3 tháng phẫu thuật, khuôn mặt mới đã thích nghi được với cơ thể của Hamon. Mặc dù nó chưa hoàn toàn khớp với hộp sọ, Hamon đã có thể ra viện. Anh cho biết mình vừa trải qua một kỳ nghỉ cuối tuần ở Brittany, tây bắc nước Pháp. Các phương tiện truyền thông Pháp đã gọi Hamon là “người đàn ông với ba khuôn mặt“. Còn bản thân anh, Hamon cảm thấy như mình đã trẻ ra một vài thập kỷ nữa: “Tôi 43 tuổi. Người hiến 22 tuổi. Vậy nên tôi đã trẻ ra cả 20 tuổi”.
PHẪU THUẬT GHÉP MẶT
Ghép mặt người là một thủ tục dành cho những người có khuôn mặt bị biến dạng nặng, do tại nạn hoặc bệnh tật mà không thể khôi phục bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, các bác sĩ sẽ thu thập từng bộ phận hoặc toàn bộ khuôn mặt của người hiến tặng đã chết để ghép sang cho bệnh nhân.
Ghép mặt có thể giúp người bệnh khôi phục các chức năng bị mất do biến dạng, ví dụ như thị giác, hô hấp, ăn uống… Mặc dù vậy, cũng giống như tất cả các loại hình ghép tạng khác, ghép mặt từ người này sang người khác tiềm ẩn nguy cơ đào thải lớn.
Thủ tục có thể kéo dài từ 8-36 tiếng đồng hồ. Trong đó, các bác sĩ sẽ tách mặt của người hiến tặng (đã chết), có thể bao gồm cả chất béo, dây thần kinh, mạch máu, xương hoặc hệ thống cơ.
Khuôn mặt này sẽ được cấy từng phần hoặc toàn bộ vào chủ nhân mới. Nếu ca phẫu thuật thành công, họ có thể ra viện trong vòng 10-14 ngày. Mặc dù vậy, cũng như tất cả các loại hình ghép tạng khác, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc chống đào thải cả đời, để làm giảm sự tấn công của hệ miễn dịch nhắm vào khuôn mặt “không phải của chính mình”.
Cấy ghép mặt có nguy cơ cao bị biến chứng, nhiễm trùng. Bản thân các loại thuốc chống đào thải làm suy giảm hệ miễn dịch cũng khiến bệnh nhân gặp nhiều nguy cơ, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc thậm chí ung thư.
Tham khảo Businessinsider