Công nghệ này hoạt động bằng cách đặt các cảm biến không dây vào bên trong mũ của các nhân viên, và sau đó kết hợp cùng các thuật toán trí tuệ nhân tạo để phát hiện ra các vụ việc liên quan đến tình trạng giận dữ, căng thẳng hay buồn bã tại nơi làm việc.
Các công ty sử dụng “công nghệ giám sát cảm xúc” này để điều chỉnh tiến trình làm việc, bao gồm thiết lập hay thay đổi vị trí công tác cũng như thời gian nghỉ ngơi của nhân viên, giúp tăng năng suất và lợi nhuận.
Tại Nhà máy điện Quốc gia Chiết Giang ở phía Đông Nam thành phố Hàng Châu, lợi nhuận của công ty đã tăng vọt thêm 315 triệu USD kể từ khi công nghệ này được giới thiệu vào năm 2014, theo xác nhận của một viên chức trong công ty.
Cheng Jingzhou, viên chức đảm nhiệm giám sát chương trình này của Nhà máy điện Quốc gia Chiết Giang, cho biết “không còn nghi ngờ gì về hiệu quả của nó“, và dữ liệu sóng não đã giúp hơn 40.000 nhân viên công ty đạt được các tiêu chuẩn công việc cao hơn.
Theo tờ South China Morning Post thì hơn 12 doanh nghiệp và quân đội Trung Quốc đã sử dụng một chương trình khác được phát triển bởi dự án giám sát não Neuro Cap do chính phủ tài trợ, đặt tại Đại học Ningbo.
“Họ đã nghĩ rằng chúng tôi có thể đọc được tâm trí họ, do đó lúc đầu, một số người cảm thấy không thoải mái và phản ứng lại” – Jin Jia, một giáo sư về não tại Đại học Ningbo cho biết.
“Sau một thời gian quen dần với thiết bị, họ đeo nó làm việc cả ngày“.
Jin còn cho biết chỉ cần biết sóng não của nhân viên thôi cũng đủ để các nhà quản lý cho họ về nhà nghỉ ngơi.
“Khi hệ thống phát ra một cảnh báo, nhà quản lý sẽ yêu cầu người công nhân nghỉ ngơi một ngày, hoặc chuyển sang làm tại một vị trí ít nguy cơ hơn. Một số công việc đòi hỏi tập trung cao độ, không có chỗ cho một sai lầm nào cả“.
Một loại cảm biến khác được phát triển dựa trên công nghệ của công ty Deayea, được cho là sử dụng trong các loại mũ bảo hiểm dành cho lái tàu trên các tuyến đường sắt tốc độ cao nối giữa Bắc Kinh và Thượng Hải. Cảm biến này có thể kích hoạt một báo động nếu phát hiện ra tài xế ngủ gật.
Những ứng dụng rộng rãi của công nghệ giám sát cảm xúc có thể đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạt động giám sát của Trung Quốc, vốn tập trung chủ yếu vào nhận diện khuôn mặt và tăng cường kiểm duyệt Internet.
Không rõ có phải mọi nhân viên đều biết mình đang bị giám sát bởi công nghệ này hay không. Nhưng dù họ có biết đi chăng nữa thì cũng chẳng làm được gì, đơn giản là bởi…luật về quyền riêng tư tại Trung Quốc cho phép điều đó.
Chính nhờ những điều luật về quyền riêng tư hết sức lỏng lẻo, cũng như dân số khổng lồ, đã giúp Trung Quốc vượt lên dẫn đầu thế giới với các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của mình. Mỹ xếp đầu về công nghệ AI trên thế giới, vượt xa Hàn Quốc và Trung Quốc
Theo Tấn Minh
Trí thức trẻ