Không dễ để các nhà sản xuất thu nhỏ viền màn hình, bởi dù sử dụng loại màn hình nào thì nó cũng cần một mạch điều khiển và chúng thường nằm ở cạnh dưới. OPPO đã rất táo bạo khi trang bị cho Find X tầm nền OLED được bẻ cong ngược về phía sau rồi sắp xếp lại các mạch điều khiển sau để nó nằm ngay phía dưới màn hình chứ không còn ở cạnh nữa. Điều này đã giúp hãng cắt gọt tối đa mọi chi tiết thừa không cần thiết và biến Find X gần như không có viền.
Bài toán thứ hai cần lời giải chính là nên đặt cụm camera trước, loa thoại và các cảm biến ở đâu? Nếu như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, những thiết bị công nghệ thường có khả năng tàng hình và chỉ xuất hiện khi chủ nhân của nó cần thì ngoài đời thực Find X đã làm được điều tương tự như vậy.
OPPO đã sử dụng cấu trúc motor để ẩn toàn bộ cụm camera 3D, loa thoại và các cảm biến vào bên trong thân máy, nó sẽ chỉ xuất hiện khi nào người dùng cần sử dụng một tính năng nào đó như selfie, chụp camera sau hay mở khoá màn hình mà thôi. Đây thực sự là một thiết kế vô cùng đột phá mà không phải hãng nào cũng có thể làm được. Nhưng liệu nó có thực sự bền? Dù rất sáng tạo nhưng vẫn có người hoài nghi về độ bền của Find X, đặc biệt là cụm camera pop-up rất dễ hư hỏng nếu như nâng hạ quá nhiều. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết, việc motor thò thụt này không lo bị hư. Bởi theo những thử nghiệm cho thấy, motor này có thể nâng lên hạ xuống 300.000 lần mà không gặp bất kì vấn đề gì.
Ngoài ra, những cảm biến được trang bị trong Find X còn có khả năng cảm nhận được khoảng cách và tự động trượt xuống, ẩn vào trong điện thoại nếu người dùng vô tình là rơi máy. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những tác động có thể ảnh hưởng đến cụm camera.
Mặt khác, trong quá khứ OPPO cũng từng giới thiệu rất nhiều sản phẩm có khả năng xoay lật camera, điển hình là mẫu OPPO N1 (2013) hay OPPO N3 vào năm 2015 có thể xoay camera trước sau tự động. Do đó hãng rất có kinh nghiệm trong thiết kế này vừa đảm bảo được sự độc đáo cũng như độ bền của sản phẩm.