Nếu bạn không biết thì Facebook cũng có nhân viên trông xe đấy. Không phải là bảo vệ thuộc bộ phận an ninh thông thường, những người này chỉ làm nhiệm vụ trông coi, quản lý bãi đỗ xe, với số lượng có thể lên đến hàng trăm người.
Và không quá khó hiểu khi họ là những người chứng kiến từ đầu đến cuối nhịp sống thường ngày tại nơi đây, từ những chuyện nhỏ nhất nhất như cảnh đi làm sáng sớm và ra về vào chiều tối, hoặc hi hữu hơn là cả những lúc… công ty rơi vào hoảng loạn, báo động vì một sự cố ập đến bất ngờ.
Cùng lắng nghe lời chia sẻ và trải lòng chứa đầy những tình tiết và câu chuyện không phải ai cũng biết về trụ sở công ty mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. “Tôi cứ nghĩ là phải có nhiều xe đẹp lắm cơ!”
Theo cách nghĩ của nhiều người thì nghề quản lý bãi đỗ xe có thể sẽ được hưởng ít quyền lợi hơn những kỹ sư công nghệ làm công việc “đao to búa lớn” khác, phải căng mắt lên trông coi những siêu xe như Lamborghini, Bugatti đến từ những nhân viên giàu có, tài giỏi nơi đây, không thì mất toi cả năm tiền lương để đền bù nếu lỡ có động chạm gì…
Khuôn viên trụ sở Facebook và… hàng đống xe đỗ xung quanh.
Thế nhưng sự thực không phải như vậy. Họ vẫn được hưởng mọi chế độ ưu đãi như một nhân viên bình đẳng với nhau, có đồ ăn miễn phí, gặp gỡ lãnh đạo, trả lương đầy đủ hơn so với mức trung bình nơi khác. Công việc của họ cũng không hề chứa đầy căng thẳng vì… chẳng có siêu xe tiền tỷ nào đỗ ở đây đâu.
“Khung cảnh bãi đỗ xe có vẻ ít “giàu sang” hơn tôi tưởng tượng,” một người trong đội trông coi chia sẻ. “Ban đầu tôi cứ nghĩ là phải có hàng tá chiếc xe bóng loáng, siêu đẹp siêu sang cơ.” Dù vậy, họ cũng tiết lộ rằng bãi đỗ xe của Apple thì đúng là nhỉnh hơn về độ chịu chơi so với Facebook.
Khi Business Insider tới thăm thì mọi thứ đúng như lời họ nói. Những hạng xe của nhân viên không phải rẻ rúng nhưng cũng chẳng quá hiếm và sang trọng bậc nhất. Tesla và những mẫu xe ô-tô chạy điện được khá nhiều người ưa chuộng ở đây. Nếu nói về độ “sang chảnh” nhất thì chỉ có vài chiếc Audi R8 cùng một chiếc Maserati GranTurismo. Sẽ có một khu riêng cho các lãnh đạo cấp cao để xe cạnh nhau, nhằm mục đích tránh lẫn lộn, dễ bề phân biệt và để tâm chăm sóc kỹ càng hơn.
Chỉ có khoảng 50% nhân viên ở đây là đi xe ô-tô riêng, còn lại dùng phương tiện công cộng như xe bus hoặc xe đạp, đôi khi còn tự tìm chỗ đỗ xe bên ngoài. Giờ cao điểm thường rơi vào khoảng 8h30-10h sáng, hoặc 5h chiều. Khi đó, đội trông coi bãi đỗ sẽ bận rộn hơn nhiều để sắp xếp chỗ đỗ và hướng dẫn những ai đang bối rối tìm đường.
Facebook có những điểm đỗ và cung cấp xe đạp công cộng miễn phí cho nhân viên. Người dùng Facebook phẫn nộ, khách du lịch táy máy tò mò và những phóng viên khó tính
Nơi đây thu hút rất nhiều thể loại khách đến thăm – và tất nhiên, có người sẽ được chủ động mời đến, còn có người thì… cứ thế xông tới để rồi xảy ra những sự cố dở khóc dở cười.
Mỗi khi có chuyện xảy đến, tất nhiên bộ phận trông giữ bãi đỗ và bảo vệ sẽ là những người tiếp xúc đầu tiên, không khác gì một bộ phận “lễ tân” phụ phải xử lý tình huống ban đầu cả. Khó khăn hơn là trụ sở Facebook được xây dựng trên khuôn viên mở, như một công viên nên rất dễ dàng để lại gần tham quan xung quanh.
Theo lời kể của họ, một lần đã từng có người đàn ông lạ mặt tới đây phàn nàn, trình bày ý kiến rằng ông ta nghi có một nhân viên trong công ty đang theo dõi mình, thậm chí cố ý xóa các status của mình trên Facebook – trong khi đơn giản đó chỉ là ông ấy đăng bài không hợp lệ, bị kiểm duyệt và xóa là đương nhiên.
Một nhóm những người tới phản đối Facebook.
Một ngày kia, lại có vài người thất nghiệp đến hỏi han niềm nở những người trông xe ở đây, rằng làm việc ở Facebook có dễ không, làm sao để được chấp nhận. Rồi lại đến lượt những người đến chỉ bảo và cảnh cáo về những điều khoản riêng tư của người dùng. Nực cười hơn, có người còn tới… mắng nhân viên rằng con gái họ dùng Facebook quá nhiều và họ không thích điều đó…
Đôi khi, có những vụ việc phải cần đến xử lý cưỡng chế, hoặc nhờ đến những cơ quan chức năng điều tra thêm. Nhẹ thì là vài phóng viên tới ghi hình tự tiện trái phép về công ty, nặng thì có đến vài trường hợp từng bị theo dõi lén, bám đuôi hoặc thậm chí là tấn công bằng gậy ở sân để xe phía sau.
Gần đây nhất là việc có một chiếc xe tải đỏ khả nghi cứ liên tục lượn lờ quanh đây, trên thân có dán dòng chữ #deleteFacebook. Đã có ít nhất 4 lần camera ghi lại được cảnh nó lảng vảng gần tòa nhà, vào đúng thời gian CEO Mark Zuckerberg đang phải tới phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Sau cùng, hóa ra đó là một trò tác động tâm lý của một hãng điều tra về quyền riêng tư trên mạng.
Chiếc xe tải khả nghi được ghi lại trên camera. “Tôi không muốn mạo hiểm gì cả. Mỗi ngày tôi chỉ nói chào mừng và tạm biệt mọi người thôi.”
Không chỉ những sự cố xảy ra ngoài khuôn viên, mà cả các biến cố nội bộ cũng thường được cập nhật hết bởi những người làm trông xe tại đây. Những nhiệm vụ giữ cho lối ra vào thông thoáng để di chuyển khẩn cấp hoặc nhận lệnh chuyển tiếp vốn đã trở nên quá quen thuộc với họ.
Việc nhân viên bị căng thẳng hoặc gặp triệu chứng sức khỏe khi làm việc rồi phải gọi cứu thương cũng không quá hiếm. Chưa rõ thế nào, nhưng theo lời bộ phận trông xe, nhân viên tại Facebook có vẻ chia làm 2 nửa tính cách chung chung, một nửa có vẻ trầm tính và ít nói hơn nửa còn lại.
“Một số người tới đây là chẳng nói chẳng rằng lao đầu vào làm việc, nhưng may mắn là bọn họ vẫn luôn thân thiện và không tỏ ý khó chịu gì với mọi người xung quanh cả. Ít nhất thì chỉ cần nhìn một người là chúng ta có thể biết ngay họ có đang rảnh để trò chuyện, thư giãn một chút hay không.”
Một góc khuôn viên của Facebook.
Đối với những “sếp” lớn hơn, hầu hết những người trông xe thường có thói quen tránh tương tác trực tiếp hơn so với nhân viên cấp dưới. Cách hoạt động của bộ phận trông giữ khuôn viên và khu để xe cũng rất có tổ chức. Nếu có vấn đề gì phàn nàn tới ai đó, chỉ cần tới gặp trưởng bộ phận và báo cáo lại, không cần mất công giải quyết cá nhân với từng người làm gì.
“Cảm giác khi mà được làm việc trong một công ty lớn tầm cỡ hàng đầu thế giới ư? Cũng không có gì kinh khủng lắm, có lẽ đó là do chúng tôi đã quá quen thuộc với công việc và không khí ở đây rồi, không còn bỡ ngỡ như ngày đầu nữa.”
“Ừ thì công việc của chúng tôi cũng có phần giúp đỡ đến việc vận hành một công ty dịch vụ cho hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Nhưng đấy cũng chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong cả một bức tranh tổng thể khổng lồ mà thôi.”
Theo nguồn: Business Insider