Khốn đốn tìm chỗ gửi con
Chị Nguyễn Thị Hà (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) vừa tan sở đã vội vàng lao về chuẩn bị cơm trưa cho cậu con trai 8 tuổi đang bị “nhốt” ở nhà. “Mới ngày thứ 5 thằng cu nghỉ hè mà tôi đã “bở hơi tai”.
Bình thường trưa thong dong ăn cơm tại cơ quan, giờ phải về lo cho con, kiểm tra xem con ở nhà thế nào. Cực chẳng đã mới nhốt thằng bé ở nhà một mình như thế”, chị Hà ngao ngán, “Cứ mươi mười lăm phút lại nhấc máy gọi con thế nào. Lo lắm. Mà hôm đầu thằng bé sợ gọi mẹ liên tục”.
Không riêng gì chị, cả mấy chục đồng nghiệp trong cơ quan đều cùng “cảnh ngộ”. “Nhà thì phải mời ông bà đến trông hộ, hoặc đưa con về quê; nhà thì thuê người giúp việc. Hoặc cùng lắm thì thay phiên nhau đưa con đến cơ quan để dễ quản lý” – chị Hà tâm sự. 
“Cách nào tôi cũng thử rồi mà không ăn thua. Ông bà già yếu không trông nổi mấy đứa cháu nội ngoại tuổi nghịch phá. Đưa con đến cơ quan thì sếp nhòm ra ngó vào, cũng ngại. Lớp học thêm thì đưa đón cũng chết. Tóm lại là nhốt ở nhà. Vừa làm vừa lo. Cháy nổ, giật điện, rồi có kẻ lừa đảo, trộm cướp mình không kịp trở tay”, chị than thở.
Năm nào cũng loay hoay tìm nơi gửi con nên nhiều bạn bè chị Hà đã “phát minh” ra nhiều phương pháp gửi con lạ đời.
Kiếm trường mẫu giáo cho học sinh tiểu học
Nhiều gia đình có con học lớp 1, lớp 2 “cậy nhờ” chỗ quen biết để gửi con học… mẫu giáo trong hè. Tại đây, các con vừa được trông nom lại ăn uống đầy đủ nên cha mẹ an tâm.
Nhưng các phụ huynh này cũng mách nhỏ, việc đưa con vào học nhờ mẫu giáo không phải ai cũng làm được. Nhất thiết phải thân quen cô giáo đó hoặc ban giám hiệu mới được ưu ái vậy.
Học la liệt các môn năng khiếu
Vừa nghỉ hè, phụ huynh cũng không muốn ép con học thêm các môn văn hóa, đến các trung tâm dạy năng khiếu. Nào thì hát, múa, nhảy đến võ, vẽ, chơi đàn – có gì học được thì học tất.
Chị Đặng Thu Thủy (Hà Đông, Hà Nội) có cô con gái 9 tuổi Bảo Linh khá đa tài. Kể cả trong năm học, chị vẫn đều đặn đưa con đi học múa bale, nhảy dancesport. Thế nhưng, hè đến, chị phải “giao khoán” con cho trung tâm.
“Hết ca học này mẹ chưa kịp đón thì con vào lớp khác học “nhờ”. Bao giờ mẹ đón thì thôi. Nhiều bạn cũng thế nên các con tự chơi với nhau” – chị Thủy cho biết.

 
 Con gái chị Thủy trong giờ múa.

“Nhiều bạn học múa xong lại lóc cóc lên tầng học vẽ, chiều thay quần áo học võ. Cơm nước bố mẹ cho sẵn trong balo rồi. Nhìn chúng mệt mỏi đến khổ” – phụ huynh khác chia sẻ.
“Nhét” con đi “nhập ngũ”
Vài năm trở lại đây, học kì quân đội trở nên phổ biến với các bậc phụ huynh. Đầu tháng 5, vợ chồng anh Lê Mạnh Hùng đã vội đăng kí khóa học kì quân đội do Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam tổ chức.
“Năm ngoái, tôi đăng kí muộn nên con suýt chút nữa không kịp tham gia. Năm nay, vợ chồng rút kinh nghiệm đăng kí online sớm. Học phí cũng hơi đắt nhưng con được tham gia trải nghiệm và bố mẹ cũng đỡ lo trông con trong tháng hè”.
Anh Hùng cho biết thêm: “Bạn bè tôi có khi còn cho con đi trại hè nước ngoài như Singapore, Hồng Kông,… Tính ra “phí trông hè” quá đắt đỏ”.