Cục trưởng Cục TMĐT & KTS Đặng Hoàng Hải cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store. |
Lễ ra mắt và trải nghiệm giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store vừa được Trung tâm Tin học và Công nghệ số – đơn vị trực thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS), Bộ Công Thương phối hợp cùng Công ty SME Soft ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store diễn ra sáng nay, ngày 8/8/2018 tại Hà Nội, với sự tham dự của Cục trưởng Cục TMĐT & KTS Đặng Hoàng Hải.
Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store là hệ thống CNTT được Trung tâm Tin học và Công nghệ số thuộc Cục TMĐT & KTS triển khai theo chương trình định hướng văn bản, chứng từ điện tử giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan đến việc quản lý và ký kết văn bản, chứng từ với các đối tác.
Theo Công ty CP công nghệ SME Soft – công ty trực thuộc tập đoàn công nghệ Vietsens, giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp tạo ra một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hóa một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoạt động thương mại là quá trình giao kết hợp đồng, tiến tới việc ứng dụng các chứng từ điện tử trong TMĐT một cách rộng rãi trong toàn xã hội giúp cho doanh nghiệp phát huy được sức mạnh của công nghệ số trong hoạt động quản lý điều hành dựa trên các tiêu chí như: văn bản điện tử có giá trị pháp lý, có tính xác thực và đảm bảo an toàn; môi trường làm việc đa nền tảng, linh hoạt, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, hỗ trợ tối đa cho người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, tổ chức; khả năng kết nối, giao kết linh hoạt, kể cả với các doanh nghiệp, tổ chức chưa đăng ký tham gia, vẫn có thể giao tiếp, liên kết được và dễ dàng khởi tạo hợp đồng điện tử hợp đồng điện tử.
Đại diện Công ty công nghệ SME Soft cho biết, được phát triển dựa trên nền tảng điện toán đám mây, hệ thống giúp tất cả các cá nhân tham gia tương tác, trao đổi và ký kết văn bản một cách thuận tiện mà vẫn đảm bảo tính hợp lệ và hợp pháp của văn bản ký kết. “Hệ thống trục điện tử kết nối doanh nghiệp giúp giải quyết những vấn đề của trên 90% doanh nghiệp gặp phải”, đại diện SME Soft nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp chỉ cần mã số thuế và USB token chữ ký số là có thể bắt đầu sử dụng. Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp 4 tài khoản tương ứng với 4 vai trò: người soạn thảo (người sẽ khởi tạo ra các văn bản, hợp đồng), văn thư (người sẽ duyệt văn bản trước khi trình ký; đóng dấu vào văn bản đã ký), giám đốc (người sẽ ký văn bản), quản trị.
Sử dụng Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, doanh nghiệp sẽ được miễn phí sử dụng giải pháp này trong 2 năm đầu tiên. Sau khi hết giai đoạn miễn phí, doanh nghiệp sẽ trả phí hàng tháng với chi phí rất nhỏ so với việc ký hợp đồng bằng giấy như hiện tại.
Chia sẻ thêm về quyết định phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ để phát triển và cho ra mắt giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Cục TMĐT & KTS cho hay, nằm trong xu hướng chung của kỷ nguyên số 4.0, Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store được phát triển và cho ra mắt với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp có thể giao kết hợp đồng, ký điện tử với nhau ở bất cứ đâu và bất kỳ thời gian nào một cách an toàn, bảo mật.
Cũng theo đại diện TMĐT & KTS, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, việc hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước là một nội dung quan trọng. Việc xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ để phát triển lĩnh vực TMĐT nói riêng và nền kinh tế số nói chung là chủ trương quan trọng của lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho Cục TMĐT & KTS triển khai.
Trên thế giới, việc ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử nói chung cho đến việc sử dụng chứng từ điện tử đã trở nên phổ biến ở nhiều nước. Hầu hết các giải pháp Chính phủ điện tử và TMĐT ở các nước phát triển đều có nền tảng xác thực điện tử dựa trên chữ ký điện tử, chữ ký số.
Tại Việt Nam, chữ ký số đã được Bộ Công Thương đưa vào ứng dụng rất sớm từ năm 2005 trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Đến nay, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục là một trong những đơn vị đồng hành, ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và các dịch vụ hành chính công trực tuyến khác. Năm 2013, Nghị định 52 về TMĐT do Bộ Công Thương dự thảo trình Chính phủ ban hành, cũng đã quy định rõ về các chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại phục vụ việc giao kết hợp đồng điện tử.
Và đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1563 ngày 8/8/2016 phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020”, với mục tiêu số 1 là phát triển các hạ tầng dành cho TMĐT mà trong đó có việc phát triển hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT được phát triển với việc thiết lập hệ thống chứng thực điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT. “Đây là nền nảng và căn cứ quan trọng để triển khai một giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp, trên nền tảng chứng thực điện tử, cho phép các doanh nghiệp giao kết hợp đồng điện tử trên nền tảng xác thực bởi chữ ký số”, đại diện Cục TMĐT & KTS chia sẻ.