Samsung phải hầu tòa tại Hà Lan vì… không chịu cập nhật điện thoại
Theo BBC, một hiệp hội người tiêu dùng tại Hà Lan đã lập luận rằng Samsung lẽ ra nên cập nhật cho những chiếc điện thoại của họ ít nhất bốn năm sau khi chúng được bán. Cập nhật phần mềm thường xuyên sẽ có thể giải quyết các vấn đề bảo mật nhưng các mẫu điện thoại cũ thường không nhận được tất cả các bản cập nhật mới nhất.
Tuy nhiên, theo phán quyết mới nhất, tòa án đã bác bỏ yêu cầu này của hiệp hội người tiêu dùng.
Một văn phòng Samsung tại Hà Lan
Vấn đề ở đây là gì?
Samsung tung ra một số mẫu điện thoại di động thuộc hàng bán chạy nhất thế giới và chúng chạy hệ điều hành Android của Google. Google thường xuyên cung cấp các bản cập nhật phần mềm nhằm giải quyết các lỗi bảo mật mới được phát hiện và cung cấp cho các nhà sản xuất điện thoại, như Samsung chẳng hạn. Các nhà sản xuất điện thoại sẽ phân phối các bản cập nhật này cho các khách hàng của mình.
Hiệp hội người tiêu dùng có tên gọi Consumentenbond đặt trụ sở tại Den Haag, Hà Lan cho biết Samsung đã không phân phối “kịp thời” các bản cập nhật như mong muốn.
Họ cũng chỉ ra nhiều thiết bị di động của hãng không còn nhận được bất kỳ bản cập nhật bảo mật nào nữa và cho rằng Samsung nên hỗ trợ những chiếc điện thoại trong khoảng thời gian ít nhất bốn năm sau kể từ lần mở bán đầu tiên của chúng trên thị trường – hoặc ít nhất hai năm sau khi thời điểm chúng còn được bán ra lần cuối.
Samsung đã nói gì?
Samsung cho biết họ đảm bảo người tiêu dùng ở Hà Lan sẽ nhận được bản cập nhật phần mềm trong hai năm kể từ sau khi chiếc điện thoại đầu tiên được bán ra trong nước.
Hãng cho biết thông tin này luôn luôn sẵn có để người dùng tham khảo và cũng đã được đăng tải ngay phía trên cùng trên trang web của họ tại Hà Lan. Samsung cho biết họ đã tung ra các bản cập nhật trong một khung thời gian “hợp lý”, sau khi thử nghiệm và đảm bảo chúng tương thích với các thiết bị của mình.
Tòa án quyết định ra sao?
Tòa án đã đưa ra phán quyết ủng hộ Samsung và nói rằng những tuyên bố của Consumentenbond là “không thể chấp nhận” vì chúng liên quan đến “các hành vi trong tương lai”.
Ví dụ, nếu một vấn đề nghiêm trọng được phát hiện trong tương lai, Samsung có thể sẽ chọn lựa giải pháp cập nhật tất cả các thiết bị di động đã bán ra của hãng. Tương tự, hãng sẽ không thể cập nhật phần mềm do tính chất và những hạn chế phần cứng của những chiếc điện thoại cũ hơn.
Vì lý do đó, sẽ không thể biết được có bao nhiêu chiếc điện thoại Samsung sẽ nhận được bản cập nhật phần mềm nếu một lỗ hổng phần mềm quan trọng được phát hiện trong tương lai. Do đó tòa án đã quyết định không thể yêu cầu Samsung cập nhật tất cả những chiếc điện thoại trong vòng bốn năm mà không biết những lỗi nào có thể được phát hiện trong tương lai.
Consumentenbond nói rằng phán quyết của tòa thật “đáng thất vọng”.
Hiệp hội này đã đưa ra tuyên bố: “Samsung tung ra thị trường rất nhiều mẫu điện thoại, và không ai buộc họ phải làm như vậy. Một nhà sản xuất ô tô cũng phải đảm bảo rằng tất cả các mẫu xe của hãng phải an toàn và đáng tin cậy và mọi thứ vẫn như vậy. Samsung cũng phải có nghĩa vụ tương tự”.
Tuy nhiên, hiệp hội người tiêu dùng cho biết vụ kiện đã “đạt được một điều gì đó”. Họ cho biết: “Trong quá trình làm thủ tục pháp lý, Samsung đã tiến hành một số bước nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin tốt hơn”.
Thanh Long