Trong thời gian gần đây những chiếc smartphone Android có “tai thỏ” xuất hiện ngày càng nhiều, từ phân khúc cao cấp cho đến cả tầm trung của các hãng. Khi iPhone X mới được trình làng, người ta chê thiết kế tai thỏ đến thế, nhưng rồi lại đua nhau làm theo cái “khuôn mẫu” ấy. Và ngay cả với những thương hiệu lớn nhất hiện nay, như LG với chiếc G7 sắp tới, Huawei đã ra mắt bộ ba P20 Series, hay thậm chí là cả Samsung cũng mới được cấp bằng sáng chế về một chiếc smartphone có tai thỏ.
Thế nhưng, không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra được rằng, Apple đã có một thiết kế hoàn hảo hơn thế, không chỉ ở tai thỏ thôi đâu. Tất cả những chiếc smartphone Android trên thị trường, chưa có một thiết bị nào sở hữu phần viền dưới mỏng như iPhone X, mặc dù phần viền hai bên của những chiếc máy này thậm chí mỏng hơn iPhone khá nhiều. Nhưng Apple đã tạo được sự cân đối ở cả 4 cạnh viền như thế.
Vẫn chưa có chiếc smartphone Android nào có thể làm cạnh viền dưới mỏng như iPhone X
Kể cả chiếc flagship “tai thỏ” mới nhất là Huawei P20 Pro
Có sao chép thì sao chép cho trót! Nhưng tại sao những chiếc smartphone Android có “tai thỏ” kia lại không làm được điều đó?
Câu trả lời nằm ở màn hình. Trong buổi giới thiệu sản phẩm, Apple không hề có chút nhấn mạnh nào về công nghệ màn hình mới, hay giải thích tại sao họ có thể làm viền mỏng đến thế cả. Nhưng tất cả những bài báo sau đó lại đổ dồn vào vấn đề màn hình trên iPhone X. Cùng với đó, các thông tin cũng cho biết, sở dĩ iPhone X có mức giá cao tới ngàn đô như vậy là do nguồn màn hình cung cấp từ phía Samsung được đẩy giá quá cao.
Tuy vậy, không phải Apple chỉ đặt hàng và sử dụng màn hình từ phía Samsung, mà giá trị thực lại được tạo ra từ sự tinh chỉnh của Apple đối với những tấm nền này. Không chỉ là sự tinh chỉnh về màu sắc và khả năng hiển thị, Apple còn tối ưu phần màn hình hiển thị trong không gian thân máy. Từ những bài mổ bụng chiếc máy này, ta mới có thể thấy rõ cách mà Apple đã làm cho phần viền dưới chiếc máy được mỏng như thế – gập phần chân màn hình lại.
Mỗi tấm nền màn hình đều có một phần chip điều khiển và các linh kiện phía dưới
Mỗi tấm nền màn hình đều có một phần chip điều khiển ở dưới. Thông thường, phần chip này sẽ tiêu tốn một không gian nhỏ ở phía cạnh dưới của máy. Trước đây, các nhà sản xuất thường thiết kế nút Home ở vị trí này, nhưng với xu hướng “vô cực” như hiện tại, họ đã rút ngắn phần viền đó. Apple đã có giải pháp sáng tạo hơn: gập đôi chúng lại, giấu phần linh kiện ấy xuống dưới màn hình. Và khi đó, họ đã có thể để màn hình sát với viền nhất có thể.
Apple đã gập phần chip điều khiển màn hình ẩn xuống dưới để tối ưu không gian hiển thị
Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở phần màn hình có thể gập lại được hay không. Đây cũng chính là xu hướng mới của tương lai – smartphone màn hình gập. Với những chiếc smartphone tầm trung, chúng sử dụng màn hình LCD, chắc chắn không thể gập lại được do bản chất của nó. Đó cũng chính là lý do khiến Apple quyết định chuyển sang sử dụng màn hình OLED trên iPhone X với khả năng uốn dẻo linh hoạt hơn. Màn hình cong trên những chiếc flagship của Samsung cũng nhờ lợi thế của loại màn hình này.
Apple đã thực sự đi trước với công nghệ màn hình gập này. Nếu như Samsung chỉ làm cong nhẹ, Apple có thể uốn gập hẳn để giấu đi hẳn phần chip màn hình này. Có vẻ như, Apple không muốn phô trương điều này, hoặc có lẽ, đây là câu chuyện mà ai cũng biết, nhưng lại chưa thể làm được như Apple.
Trên Galaxy S9 cũng chỉ là tấm nền được uốn cong nhẹ
Đơn giản như chiếc “tai thỏ” kia, những chiếc smartphone Android sao chép nhiều là vậy, nhưng đâu có chiếc smartphone nào có một cụm camera TrueDepth với khả năng nhận diện khuôn mặt 3D hoàn hảo như iPhone X? “Nhái” thiết kế là vậy, nhưng vẫn chẳng thể “nhái” được hoàn toàn. Apple là vậy, chẳng phải đơn giản mà một chiếc smartphone 7-8 triệu đồng lại có thể sánh ngang được với một siêu phẩm nghìn đô được cả.