Hai nhà khoa học cho rằng trong lịch sử của Mặt trăng, ít nhất có 2 lần các điều kiện trên bề mặt của nó đã thúc đẩy sự xuất hiện và tồn tại của các dạng sống đơn giản.
Theo các nhà nghiên cứu, sự sống đã xuất hiện trên Mặt trăng gần như ngay sau khi Mặt trăng hình thành, tức là khoảng 4 tỷ năm về trước. Tiếp đó, 500 triệu năm sau, sự sống lại một lần nữa xuất hiện trên Mặt trăng, trên miệng núi lửa đang hoạt động.
Các tác giả của công trình nghiên cứu lưu ý rằng trong cả 2 giai đoạn, Mặt trăng giải phóng một lượng khổng lồ các loại khí nóng, trong đó có hơi nước. Điều đó có thể dẫn đến sự hình thành những hồ chứa nước trên bề mặt Mặt trăng; đồng thời khí quyển bao quanh Mặt trăng đủ dày đặc để có thể duy trì qua hàng triệu năm. “Nếu nước lỏng và khí quyển xuất hiện trên Mặt trăng non trẻ đủ lâu, thì chúng tôi tin rằng Mặt trăng có thể thích hợp với sống, mặc dù chỉ là tạm thời” – ông Schulze – Makuch cho biết.
Phân tích mới nhất dựa trên các kết quả nghiên cứu chính xác, được thực hiện thông qua các tàu thăm dò vũ trụ, cho thấy các mẫu đất đá Mặt trăng (và sao Hỏa) không quá khô như dự đoán trước đây. Các tác giả công trình nghiên cứu trích dẫn các thông tin từ năm 2009 và 2010, khi các nhóm nghiên cứu quốc tế thông báo đã tìm thấy chứng cớ về hàng trăm tỉ tấn nước đá trên Mặt trăng.
Đây cũng là các chứng cớ quan trọng để giả thiết rằng một lượng lớn nước đang nằm trong lớp phủ (quyển manti) Mặt trăng. Cũng có xác suất rất lớn là vệ tinh tự nhiên của chúng ta, trong giai đoạn đầu phát triển, được bao bọc bởi một từ trường có khả năng bảo vệ sự sống (nếu có) trên bề mặt trước các tác động nguy hiểm của gió Mặt trời.
Các nhà khoa học không loại trừ khả năng là sự sống có thể đến Mặt trăng từ Trái đất. Các hóa thạch vi khuẩn lam từ 3,5 – 3,8 tỷ năm trước là những dấu hiệu sự sống xuất hiện sớm nhất trên hành tinh chúng ta. Trong giai đoạn này, hiện tượng thiên thạch bắn phá dữ dội diễn ra liên tục trong Hệ Mặt trời.
Không loại trừ khả năng là vi khuẩn lam bị bắn tung ra khỏi Trái đất, bám trên bề mặt các thiên thạch, đã đến được Mặt trăng. “Dường như trong thời kỳ đó, Mặt trăng có thể là nơi tạm thời sống được, và vi khuẩn có thể đã xuất hiện trong các hồ nước trên bề mặt của Mặt trăng, cho đến khi toàn bộ bề mặt Mặt trăng trở nên khô hạn” – ông Schulze-Makuch nói.
Điều đáng chú ý là những giả thuyết kiểu như trên không dựa vào bất kỳ kết quả nghiên cứu cụ thể nào trên Mặt trăng. Theo các chuyên gia, những công việc nghiên cứu tiếp theo cần phát triển theo hai hướng. Thứ nhất, cần tìm kiếm di tích sự sống còn sót lại trong đá Mặt trăng từ thời kỳ núi lửa hoạt động tích cực. Thứ hai, cả trên Trái đất cũng như trên Trạm Vũ trụ quốc tế cần thực hiện các mô phỏng để giải thích liệu vi sinh vật có thật sự có khả năng tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt như trên Mặt trăng hay không.