Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo tin từ Bộ Công an, những năm qua, hệ thống thông tin của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng cao cho cả cộng đồng. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành, trong đó có lực lượng Công an nhân dân chú trọng nghiên cứu, xây dựng, áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh thông tin và đạt được những kết quả nhất định, góp phần khắc phục những lỗ hổng, những điểm yếu trong hệ thống mạng thông tin, không để các thế lực phản động, tội phạm và phần tử xấu lợi dụng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh sự phát triển, hệ thống thông tin của Việt Nam cũng đã và đang đối diện với nhiều nguy cơ, đe dọa gây mất an ninh thông tin. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng hệ thống thông tin để phát tán tài liệu có nội dung tuyên truyền, phá hoại tư tưởng; tiến hành các hoạt động liên lạc, chỉ đạo, móc nối, lôi kéo, gây dựng cơ sở trong nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin có xu hướng gia tăng, nổi bật là hoạt động của các loại tội phạm công nghệ cao, gây ra những hậu quả đặc biệt lớn cũng như gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Đáng chú ý là hoạt động tấn công vào các website của Chính phủ, Bộ, ban, ngành, địa phương ngày càng tăng; xuất hiện các cuộc tấn công mang màu sắc, động cơ chính trị khi tin tặc tiếm quyền điều khiển website, chèn hình ảnh liên quan đến Biển Đông kèm theo các thông điệp thách thức, khiêu khích, đe dọa Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh thông tin quốc gia.
Tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước qua hệ thống thông tin diễn biến phức tạp. Nhiều hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các công trình hạ tầng trọng yếu, các tập đoàn kinh tế quan trọng vẫn tồn tại lỗ hổng bảo mật, dễ dàng bị tin tặc tấn công xâm nhập, chiếm bí mật nhà nước, bí mật nội bộ. Hoạt động đăng tải, chia sẻ thông tin tiêu cực, không chính xác, tiết lộ thông tin cá nhân qua mạng xã hội cũng đã và đang tạo ra những dư luận xấu, ảnh hưởng đến nhận thức, niềm tin của quần chúng nhân dân, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động xâm hại an ninh, trật tự…
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh thông tin tại Việt Nam trong thời kỳ mới như cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về an toàn thông tin; tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin theo hướng đồng bộ, tránh chồng chéo và theo kịp sự phát triển; sớm hoàn thiện luật về an ninh thông tin. Nâng cao tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về nguy cơ mất an toàn thông tin; tăng cường sự phối hợp bảo vệ an ninh thông tin giữa các cấp, ngành và địa phương…
Đình Anh