Hơn 1 năm sau khi công bố chính thức,
NASA sẽ phóng
tàu thăm dò Mặt Trời mang tên
Parker Solar Probe vào chủ nhật ngày 12 tháng 8 (dời lại từ hôm nay) tại tổ hợp Space Launch Complex-37 thuộc căn cứ không quân Cape Canaveral. Con tàu này sẽ bay ở tốc độ nhanh nhất và cũng là tàu thăm dò tiếp cận
Mặt Trời gần nhất trong lịch sử
hàng không vũ trụ.

Đang tải ULA Delta IV.jpg…

Tên lửa khổng lồ Delta IV của ULA.

Ngày mai Parker Solar Probe sẽ được phóng lên bằng tên lửa Delta IV Heavy của United Launch Alliance và vào tháng 12 năm 2024, nó sẽ đạt tốc độ cao nhất chưa từng có. Cụ thể khi nó tiếp cận gần Mặt Trời nhất trong khoảng bán kính 6 triệu km thì tốc độ của tàu lúc này sẽ lên đến 692 ngàn km/h. Nếu so ra thì với tốc độ này chúng ta có thể đi từ Washington, D.C. đến Tokyo trong chưa đầy 1 phút hoặc từ Washington, D.C. đến Philadelphia trong chưa tới 1 giây.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Parker Solar Probe lại không lấy làm ngạc nhiên với tốc độ kỷ lục này khi nói: “Việc thiết kế một thứ để bay nhanh trong không gian cũng giống như thiết kế một thứ bay chậm bởi không gian vũ trụ không có gì cản trở con tàu tăng tốc. Con tàu cũng không biết được nó sẽ bay nhanh tới đâu.”

Đang tải Parker Solar Probe  01.jpg…
Nói là không có gì cản trở nhưng trên thực tế, Parker Solar Probe sẽ vượt qua một chặng đường không mấy êm đềm bởi nó không phải là thứ duy nhất di chuyển cực nhanh. Một thứ mà nó phải đối mặt là môi trường bụi siêu tốc – những hạt rất nhỏ di chuyển cực nhanh và chúng sẽ va vào tàu. Chính vì điều này Parker Solar Probe được trang bị nhiều tấm chắn bằng Kevlar để bảo vệ nó trước những va chạm này.
Thật sự với tốc độ tiếp cận đến 692.000 km/h thì Parker Solar Probe sẽ cho tất cả các tàu vũ trụ nhanh nhất trong lịch sử ngửi khói. Chẳng hạn như tàu Voyager 1 phóng năm 1977 hiện đang bay ở vận tốc khoảng 61.000 km/h, tức chưa bằng 1/10 vận tốc của Parker Solar Probe. Tương tự, tàu Juno được NASA phóng năm 2016 khi tiếp cận quỹ đạo sao Mộc cũng chỉ bay ở tốc độ đến 266.000 km/h và hiện đang nắm giữ kỷ lục tốc độ trong vũ trụ.
Thế nhưng khi nói đến khái niệm vận tốc nhật tâm, tức là vận tốc liên quan đến Mặt Trời mà không có sự tác động của các hành tinh khác thì 2 tàu từng lập kỷ lục tốc độ là Helios I và Helios II với vận tốc 241.000 km/h. Cả 2 sứ mạng được thực hiện vào thập niên 70 của thế kỷ trước và bộ đôi này đã tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách còn gần hơn cả sao Thuỷ so với Mặt Trời.

4:28 AM ngày mai (giờ địa phương) ~ tầm 15:28 giờ Việt Nam, Parker Solar Probe sẽ rời bệ phóng, anh em quan tâm có thể bookmark lại video livestream này để theo dõi.


Cũng nhắc lại về sứ mạng của Parker Solar Probe thì nó sẽ ở cạnh Mặt Trời trong suốt 7 năm, thực hiện 24 lần bay cắt mặt cự ly gần ngôi sao của chính ta với khoảng cách gần nhất là 6 triệu km. Nhiệt độ mà tàu phải chịu khi lại gần quả cầu lửa lên đến 1370 độ C và cường độ bức xạ cao gấp 475 lần so với cường độ chúng ta tiếp xúc trên Trái Đất. Tàu mang theo nhiều trang thiết bị để đo điện/từ trường của Mặt Trời, chụp ảnh cấu trúc và nghiên cứu về gió Mặt Trời. Những dữ liệu quý giá gởi về từ Parker Solar Probe hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học giải đáp được 2 câu hỏi: Gió Mặt Trời được tạo ra như thế nào và tại sao lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời hay vành nhật hoa lại nóng hơn quá nhiều so với bề mặt của Mặt Trời (mức chênh lệch giữa 1,7 triệu độ C vs 5500 độ C)?