Theo CNET, ý tưởng cơ bản về việc biến Sao Hỏa thành một hành tinh thân thiện với sự sống – còn được gọi là terraforming (cải tạo) – là tạo ra một lượng khí carbon dioxide đủ để phủ đầy bề mặt hành tinh này nhằm làm bầu khí quyển của nó dày lên, từ đó nâng nhiệt độ của hành tinh lên mức có thể giữ được nước ở trạng thái lỏng. Trên lý thuyết, terraforming cũng giống như hiệu ứng nhà kính ở Trái Đất vậy.
“Carbon dioxide (CO2) và hơi nước (H2O) là những khí nhà kính duy nhất có thể hiện diện trên Sao Hỏa đủ để mang lại hiện tượng ấm lên từ hiệu ứng nhà kính” – Bruce Jakosky tại Đại học Colorado, Boulder, nói.
Jakosky là tác giả của một nghiên cứu mới xuất bản hôm thứ Hai trên tạp chí Nature Astronomy, trong đó đưa ra kết luận rằng trên Sao Hỏa không có đủ các khí nêu trên để có thể thực hiện terraforming. Áp suất khí quyển trên Sao Hỏa chỉ đạt chưa đến 1% so với áp suất khí quyển Trái Đất, vốn là áp suất lý tưởng cần thiết để tăng nhiệt độ lên mức có thể giữ nước ở trạng thái lỏng một cách ổn định.
Ngay cả khi Musk có thể làm tan chảy các khối băng ở cực Sao Hỏa bằng công nghệ hạt nhân, nghiên cứu mới này cho rằng chúng sẽ chỉ tạo ra đủ khí CO2 để tăng áp suất khí quyển lên 1,2% so với của Trái Đất.
“Ngoài ra, phần lớn khí CO2 không thể tiếp cận được, và không thể huy động một cách dễ dàng. Kết quả là, quá trình terraforming trên Sao Hỏa là bất khả thi với công nghệ hiện nay” – Jakosky nói.
Các phân tích trong nghiên cứu còn cho thấy, kể cả khi thực hiện quy trình chiết xuất CO2 từ bụi, đất đá và khoáng sản trên Sao Hỏa – vốn tiêu tốn rất nhiều năng lượng – chúng ta cũng sẽ chỉ tạo ra được bầu khí quyển ở mức 5% so với điều kiện cần và đủ.
Những đặc điểm bề mặt của Sao Hỏa cho thấy hành tinh này hàng thiên niên kỷ trước từng là một nơi ấm áp và ẩm ướt hơn hiện tại, nhưng nghiên cứu từ tàu vũ trụ trên bề mặt và bay quanh Sao Hỏa trong vài năm gần đây đã cho thấy phần lớn khí quyển hành tinh này và lượng hơi ẩm bên trong nó đã bốc hơi ra không gian từ thời cổ đại.
Minh.T.T