Tiến sĩ Lê Việt Phú trình bày tại buổi thảo luận về chất lượng không khí được tổ chức ở TP.HCM chiều 8-5 – Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tại sự kiện Thảo luận về chất lượng không khí do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phú giải thích giá điện sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay rất thấp, trung bình khoảng độ 1.800 đồng/kWh.
Với mức giá đó, nguồn điện duy nhất có thể cung cấp chỉ có điện than, vì những nguồn điện khác “sạch hơn” có chi phí lớn hơn nhiều.
“Giá điện Việt Nam đang rẻ hơn các nước khác rất nhiều, để giữ được mức giá đó, Việt Nam phải khai thác rất nhiều nhà máy điện than và việc này góp phần rất lớn vào ô nhiễm không khí”, ông Phú phát biểu.
“Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh trong 20 năm qua nhưng không có tính bền vững vì chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào các loại nhiên liệu hóa thách giá rẻ”, ông nói.
Việt Nam phải khai thác nhiều nhà máy điện than và việc này góp phần rất lớn vào ô nhiễm không khí. Trong ảnh: một công nhân xúc than từ một chuyến tàu chở than ở Ấn Độ – Ảnh: REUTERS
Theo Tiến sĩ Phú, giá năng lượng rẻ gây ra hai vấn đề: một là khó tìm được nguồn năng lượng thay thế, hai là giá thành rẻ gây lãng phí vì người dùng không nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả.
“Tuy nhiên, chính phủ cũng cần phải minh bạch về chi phí năng lượng, nếu không sẽ gặp phải sự phản đối từ người dân mỗi khi đề xuất tăng giá năng lượng”, ông nói.
Theo đánh giá của ông Phú, ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp ở Việt Nam đang “cực kỳ nghiêm trọng”.
Tham gia buổi thảo luận, Tiến sĩ George Conway – Giám đốc Sở Dịch vụ Y tế Quận Deschutes, bang Oregon, Mỹ cũng cho biết việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, là một trong những nguyên nhân chính sản sinh ra bụi PM2.5 (các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micrometre) trên toàn cầu.
Tiến sĩ George Conway trình bày tại buổi thảo luận về chất lượng không khí – Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Hạt bụi siêu nhỏ PM2.5 được biết đến với khả năng gây ra các ảnh hưởng về mặt sức khỏe nghiêm trọng như gây tử vong sớm, đau tim, đột quỵ, giảm chức năng phổi…
“Than đá thì rẻ nhưng khi đốt lên lại rất bẩn, trừ khi được xử lý đặc biệt. Hiện nay nguyên nhân chính gây ô nhiễm toàn cầu vẫn là việc đốt than đá nhằm phục vụ các mục đích đốt nóng, sản xuất điện… Xe cơ giới cũng là nguồn phát thải PM2.5 nghiêm trọng”, tiến sĩ Conway trình bày.
Theo ông Conway, ba nguyên nhân chính gây phát thải PM2.5 ở Việt Nam là do đốt/cháy diện rộng, giao thông và quy trình công nghiệp.
Tiến sĩ Lê Việt Phú phân tích ô nhiễm công nghiệp thường tồn tại ở các khu công nghiệp ngoài thành phố, còn việc đốt/cháy trên diện rộng chủ yếu là do thói quen canh tác nông nghiệp đốt đồng sau khi thu hoạch của người nông dân.
Trong khi đó, ở những thành phố lớn như TP.HCM, giao thông chiếm đến 90% nguyên nhân ô nhiễm không khí.
Theo tiến sĩ Lê Việt Phú, 90% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn là giao thông – Ảnh: LÊ PHAN
Nghiên cứu chỉ số chất lượng không khí (AQI Index) từ năm 2016 đến nay tại TP.HCM, tiến sĩ Conway cũng đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí ở thành phố đang tăng nghiêm trọng, với nhiều ngày chạm mức AQI 151-200 không tốt cho sức khỏe.
Một số giải pháp mà tiến sĩ Conway đưa ra cho người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình là “chỉ lái xe khi cần thiết” để giảm thải, hạn chế ra đường vào những ngày không khí tệ và chọn các loại khẩu trang được chứng nhận có khả năng ngăn bụi.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo các loại khẩu trang y tế với màn dệt khá thưa (người Việt Nam thường sử dụng khi ra đường – PV) không có khả năng lọc được các hạt bụi nhỏ.