Pam Reynolds Lowery là một nữ ca sĩ người Mỹ, cùng thời với Michael Jackson. Tất nhiên cô không nổi tiếng bằng Ông hoàng nhạc Pop, ít nhất dưới vai trò một ca sĩ. Trên Youtube bây giờ thậm chí chẳng thể tìm được một MV ca nhạc nào của Reynolds.Ấy vậy mà suốt thập niên 1990 và đầu thế kỷ 20, khi Michael Jackson xuất hiện liên tục trên MTV, người ta có thể bật sang kênh Discovery hoặc National Geographic để nghe Reynolds kể chuyện:”Khi thoát ra khỏi thể xác, tôi không thấy đau, không lo lắng cũng không quan tâm gì hết. Tôi nhìn xuống cơ thể mình và biết đó là thân xác của chính tôi chứ không phải ai khác… Một cảm giác cực kỳ cực kỳ phi thường, khi được giải thoát ra khỏi cơ thể của chính mình“.Reynolds là một trong những nhân chứng nổi tiếng nhất thế giới, cho một hiện tượng bí ẩn mà đến giờ khoa học vẫn khó giải thích: Trải nghiệm cận tử.
Năm 1991 khi Reynolds 35 tuổi, cô bắt đầu bị những cơn chóng mặt làm phiền. Các triệu chứng trở nên nặng hơn khiến Reynolds mất giọng và dần bị liệt. Bác sĩ tư giới thiệu cô đến gặp một nhà thần kinh học, và phim chụp CT tiết lộ Reynolds có một động mạch phình lớn trong não. Nó nằm ở một vị trí cực kỳ khó phẫu thuật, gần như chắc chắn sẽ giết chết cô.Nhưng Robert F. Spetzler, một nhà giải phẫu thần kinh tại Viện Barow, Arizona khi đó đề xuất với Reynolds một ý tưởng cực kỳ táo bạo. Ông muốn dùng một thủ thuật gọi là Hạ nhiệt ngưng tuần hoàn (DHCA) để phẫu thuật cho cô.Kỹ thuật này đòi hỏi làm lạnh cơ thể Reynolds xuống đến mức 10oC, ngưng thở và chặn dòng máu chảy vào não bộ. Nó sẽ giúp hạn chế các tổn thương có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Về cơ bản, hạ nhiệt ngưng tuần hoàn là đưa bệnh nhân vào trạng thái chết lâm sàng, và nó có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ.Ca phẫu thuật thành công mỹ mãn và Reynolds hồi phục hoàn toàn. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Sau khi tỉnh dậy, cô kể lại rằng trong quá trình các bác sĩ phẫu thuật cho mình, hồn cô đã bị kéo ra khỏi cơ thể và bay lơ lửng trên trần phòng mổ.Ở đó, Reynolds có thể nhìn thấy quá trình các bác sĩ phẫu thuật cho mình. Cô miêu tả lại hình dáng của dụng cụ phẫu thuật, kể lại cuộc trò chuyện giữa các bác sĩ, mặc dù Reynolds khi đó đang phải đeo một tai nghe phát tiếng ồn lớn cho phép các bác sĩ theo dõi điện não đồ để phát hiện liệu cô có tỉnh giấc.Trên thực tế, tín hiệu điện não phẳng suốt cuộc phẫu thuật, chứng tỏ Reynolds luôn ở trong trạng thái chết lâm sàng. Các bác sĩ sau đó xác nhận dụng cụ phẫu thuật cô mô tả là đúng. Và băng ghi âm trong phòng mổ xác nhận lời kể của Reynolds.Chưa dừng lại ở đó, các sự kiện tiếp theo mà Reynolds kể lại còn khó tin hơn. Cô nói rằng mình bị kéo về phía một luồng sáng chói, ở đó, cô đã gặp lại bà ngoại, một người chú và một người thân khác mà tất cả đều đã qua đời.Mặc dù Reynolds muốn ở lại đó lâu hơn, nhưng người chú đã đẩy cô xuống. Sau một cảm giác “như nhảy vào thùng nước đá“, Reynolds tỉnh lại.
Những câu chuyện tương tự như của Reynolds không hề hiếm. Chúng thường xuất hiện sau một sự kiện được gọi là “trải nghiệm cận tử” (Near-death experiences-NDE), trong đó, một người đã tắt thở, ngưng tim và rơi vào một trạng thái chết lâm sàng sau đó sống lại. Một trải nghiệm cận tử nổi tiếng khác được ghi lại vào năm 1984, trên nhân chứng có tên là Maria, một nữ công nhân người Mỹ phải nhập viện vì đau tim. Trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện, Maria bị ngưng tim, nhưng các bác sĩ đã đem sự sống của cô trở lại. Sau khi được hồi sinh, Maria kể lại rằng cô đã thoát ra khỏi cơ thể của mình, lơ lửng trên trần nhà nơi cô có thể quan sát các nhân viên y tế làm việc trên thể xác mình. Đáng chú ý, Maria nói rằng sau đó cô đã đi ra ngoài phòng bệnh viện và nhìn thấy một chiếc giày tennis trên gờ cửa sổ tầng ba. Kimberly Clark, một nhân viên y tế làm việc trong ICU, nói rằng cô đã đi lên tầng ba. Và đúng thật, Clark tìm thấy một chiếc giày trên gờ cửa sổ: “Cô ấy [Maria] chỉ có thể biết được điều đó bằng cách thực sự thoát ra bên ngoài và bay rất gần với chiếc giày tennis. Tôi đã lấy chiếc giày và mang nó về cho Maria; đó là bằng chứng thuyết phục đối với tôi“.
Trước đó năm 1975, nhà tâm lý học người Mỹ Raymond A. Moody, Jr cũng đã xuất bản một cuốn sách có tên là “Life after Life” (tạm dịch là Cuộc sống sau sự sống) ghi lại những câu chuyện của khoảng 50 người có trải nghiệm cận tử. Cuốn sách ngay lập tức lọt vào danh sách bán chạy nhất mọi thời đại, kéo theo đó là niềm tin của công chúng về linh hồn và sự tồn tại của ý thức bên ngoài não bộ. Làn sóng cũng kéo theo sự vào cuộc của khoa học, bao gồm các bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, chuyên gia tim mạch… Đến năm 2005, đã có khoảng 600 bài báo học thuật nghiên cứu gần 3.500 trường hợp trải nghiệm cận tử. Nhiều trong số các bài báo này được đăng trên tạp chí Journal of Near-Death Studies, nơi chúng được bình duyệt để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn khoa học. Khoảng 240 bài báo về trải nghiệm cận tử khác được tìm thấy trên PubMed, cơ sở dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ. Vậy các nghiên cứu khoa học đã giải mã được những gì về hiện tượng kỳ lạ này? Liệu trải nghiệm cận tử có phải là một bằng chứng về sự tồn tại của linh hồn?
Trải nghiệm cận tử được định nghĩa là những trải nghiệm cá nhân liên quan đến trạng thái gần chết. Theo Bruce Greyson, giáo sư Tâm thần học và Khoa học thần kinh danh dự tại Đại học Virginia, người được cho là cha đẻ của ngành nghiên cứu NDE: Một trải nghiệm cận tử có 3 đặc điểm chung bao gồm trải nghiệm bên ngoài cơ thể vật lý của một người, các khải tượng liên quan đến người thân đã qua đời hoặc nhân vật tôn giáo, các yếu tố không thời gian siêu việt (thiên đường hoặc địa ngục).
Nghiên cứu tiếp tục chia nhỏ các đặc trưng này thành 8 hiện tượng phổ biến nhất: (1) Trải nghiệm bên ngoài cơ thể (Out of Body Experience – OEB), khi một người nhìn thấy cơ thể của chính mình ở góc nhìn thứ ba, từ phía đối diện, đằng sau lưng hoặc bên cạnh. (2) “Hồn lìa khỏi xác“, khi nhận thức bao gồm các giác quan bị tách khỏi cơ thể vật lý, tương tự nhưng mạnh hơn OEB. Người trải nghiệm cận tử dạng này không chỉ nhìn thấy cơ thể của chính mình, “phần hồn” của họ còn có thể di chuyển vượt ra xa khỏi không gian xung quanh cơ thể vật lý. (3) Người trải nghiệm cận tử nhận thức được về cái chết của chính mình, cảm thấy an lạc và hạnh phúc (4) Hồi tưởng nhanh một loạt ký ức về cuộc đời mình, từ khi sinh ra cho tới khi chết (5) Đi vào một đường hầm hoặc hành lang tối (6) Nhìn thấy một ánh sáng chói lọi ở cuối đường hầm hoặc lối đi (7) Gặp các nhân vật tôn giáo như Chúa, thiên thần, hoặc những người thân yêu đã mất chào đón mình (8) Được một người gọi hoặc kéo trở lại cuộc sống Trong khi trải nghiệm cận tử của Maria, nữ công nhân người Mỹ, thuộc dạng (2), chúng ta có thể thấy câu chuyện của Reynolds là sự kết hợp sống động nhiều đặc trưng khác nhau của NDE: Dạng (1) khi cô thấy mình lơ lửng trên trần phòng phẫu thuật và nhìn thấy cơ thể của chính mình, dạng (3) khi Reynolds cảm thấy nhẹ nhõm, không đau khổ và lo lắng, dạng (6) khi cô nhìn thấy ánh sáng chói, dạng (7) khi gặp lại những người thân quá cố của mình và dạng (8), khi cô được người chú đẩy vào thùng nước đá và tỉnh lại.
Rất nhiều giả thuyết khoa học đã được đưa ra để giải thích cho các dạng trải nghiệm cận tử khác nhau. Một nghiên cứu năm 2010 trên 52 bệnh nhân ngưng tim, trong đó 11 người báo cáo trải nghiệm cận tử, liên kết ảo giác đường hầm tối và ánh sáng chói với nồng độ CO2 cao trong máu họ. Các bệnh nhân trải nghiệm cận tử có nồng độ CO2 trong máu cao hơn hẳn các bệnh nhân ngưng tim mà không có NDE. Các nhà nghiên cứu cho rằng CO2 trong máu gây ảnh hưởng đến thị giác, dẫn đến việc người trải nghiệm cận tử nhìn thấy một thứ tương tự như đường hầm tối và ánh sáng chói. Trong khi đó, nồng độ máu và O2 thấp trong não có thể là nguồn gốc của các ảo giác sống động khác, từ trải nghiệm ngoài cơ thể (dạng 1), hồi tưởng lại cuộc đời mình (dạng 4), cho đến việc đi tới thế giới bên kia, gặp những người thân đã khuất (dạng 7). Cuối thập niên 1970, tiến sĩ James Whinnery, một chuyên gia về y học hàng không vũ trụ Mỹ đã thiết kế một thử nghiệm để đưa những phi công quân sự vào trạng thái cận tử. Họ được gắn vào một máy ly tâm quay cực nhanh để mô phỏng các tình huống tăng tốc đột ngột của máy bay chiến đấu, thứ có thể rút phần lớn máu cùng với oxy khỏi não, đưa phi công vào trạng thái bất tỉnh tạm thời. Trong suốt 16 năm, tiến sĩ Whinnery đã thực hiện thí nghiệm này trên gần 1.000 phi công. Trong đó, một tỷ lệ từ 10-15% các phi công báo cáo trạng thái cận tử. Khi máu không đủ để cung cấp O2 cho não, các phi công trải qua trạng thái bất tỉnh trong vòng trung bình 12 giây. Trong 12 giây được gửi vào ranh giới giữa sự sống và cái chết ấy, một số phi công báo cáo nhiều trải nghiệm cận tử bao gồm: nhìn thấy đường hầm tối, ánh sáng chói, cảm giác trôi nổi trong không gian, trải nghiệm ngoài cơ thể, giấc mơ sống động về những nơi đẹp đẽ, nhìn thấy bạn bè, gia đình, hồi tưởng lại những kỷ niệm đáng nhớ trong đời… Nghiên cứu của tiến sĩ Whinnery xác nhận thiếu máu cục bộ trong não và nồng độ O2 thấp đã gây ra những ảo giác sống động tương tự trải nghiệm cận tử.
Giải thích cho đặc trưng thứ (3) của trải nghiệm cận tử, về sự an lạc trước khi chết là sự phát hành của các hooc-môn và chất dẫn truyền thần kinh như endorphin trong não bộ.
Daniel Carr, một nhà giải phẫu thần kinh đã phát hiện, trong những tình huống não bộ gặp căng thẳng hay phải đối mặt với sự kiện cực đoan, chẳng hạn như thiếu máu và O2, nó sẽ phát hành ra endorphin và enkephalin. Các hóa chất thần kinh này tạo ra cảm xúc dễ chịu, thậm chí hạnh phúc cho người sắp chết. Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Nghiên cứu cận tử quốc tế, khoảng 9-23% người có trải nghiệm cận tử tiêu cực. Họ cảm thấy sợ hãi, trống rỗng và bị phủ nhận sự tồn tại. Thay vì đi tới những nơi như thiên đường, vài người trong số họ tìm thấy mình ở địa ngục. Theo Phyllis Atwater, nhà nghiên cứu NDE nổi tiếng người Mỹ, những người trải nghiệm cận tử tiêu cực khi “kìm nén cảm giác tội lỗi, sợ hãi và giận dữ, hoặc họ phải trải nghiệm những thứ kiểu như hình phạt sau khi chết“. Các cảm giác tiêu cực và ảo giác bị trừng phạt cũng có thể được giải thích bằng thí nghiệm của tiến sĩ Whinnery. Theo đó, thiếu O2 cũng gây ra những tình huống căng thẳng cho não bộ, dẫn đến sự sợ hãi, khiến các phi công của ông bị co giật.
Những giả thuyết trên có thể giải thích một phần đặc trưng của trải nghiệm cận tử. Chúng hoàn toàn có thể phủ nhận sự tồn tại thực sự của thiên đường, của Thượng Đế và cuộc hành trình sau cái chết, quy tất cả trải nghiệm cận tử thành những ảo giác mà não bộ tạo ra dưới sự ảnh hưởng của các quá trình sinh hóa. Mặc dù vậy, đứng giữa trung tâm của các câu hỏi còn lại vẫn là sự tồn tại của linh hồn. Có lý thuyết nào giải thích cho hiện tượng “hồn lìa khỏi xác” mà cả Maria và Reynolds đã trải qua hay không? Tại sao nhiều người trải nghiệm cận tử có thể nhìn thấy chính cơ thể họ ở một góc nhìn thứ 3, nếu không phải họ có một linh hồn thực sự và đã thoát ra khỏi thân thể vật lý? Năm 2007, nhà thần kinh học người Thụy Sĩ Olaf Blanke đã công bố một nghiên cứu đáng tin cậy giải thích cho trải nghiệm ngoài cơ thể. Nó liên quan đến hoạt động ở một vùng não được gọi là khớp nối thái dương đỉnh (temporalparietal junction-TPJ), chịu trách nhiệm sắp xếp lại các thông tin đi vào não bộ từ mọi giác quan. Đây cũng là vùng não bộ điều khiển nhận thức của chúng ta về bản thân và vị trí của chính mình trong không gian. Blanke nói rằng việc kích thích vùng TPJ sẽ gây ra những xáo trộn thông tin, dẫn đến mất đồng bộ giữa nhận thức về vị trí của cơ thể với thực tại gây ảo giác OBE. Ông và các đồng nghiệp đã chứng minh điều này một cách thuyết phục trên một người phụ nữ 43 tuổi mắc bệnh động kinh. Cô này được lập bản đồ não bộ và gắn các điện cực kích thích não. Bất cứ khi nào Blanke đưa tín hiệu điện để kích thích vị trí hồi góc (angular gyus) trong khớp nối thái dương đỉnh, người phụ nữ đều báo cáo trải nghiệm ngoài cơ thể (OBE). Bà ấy nói rằng có thể tự nhìn thấy mình từ trên cao. Các thí nghiệm sau đó của Blanke cũng xác nhận điều này xảy ra ngay ở các tình nguyện viên khỏe mạnh. Ông và các đồng nghiệp tự tin kết luận rằng: Các nghiên cứu khoa học thần kinh hoàn toàn có khả năng tiết lộ cơ sở thần kinh học của trải nghiệm cận tử và làm sáng tỏ hiện tượng này, đưa nó vượt ra khỏi ranh giới của những điều huyền bí.
Một năm sau kết quả nghiên cứu của Blank, AWARE, một dự án nghiên cứu lớn về trải nghiệm cận tử được khởi động bởi Sam Parnia, phó giáo sư y khoa người Anh, đồng thời là giám đốc nghiên cứu hồi sức tim phổi tại Đại học Southampton.
Dự án này kéo dài 4 năm, thu hút 33 nhà nghiên cứu tại 15 bệnh viện ở Anh, Áo và Mỹ. AWARE được mệnh danh là cuộc săn tìm những linh hồn. Các nhà khoa học thiết lập những mô hình thí nghiệm trong phòng hồi sức, nơi các bệnh nhân ngừng tim được cứu chữa và cũng là nơi OEB nhiều khả năng xảy ra nhất. Họ treo trong phòng một chiếc giá, mặt trên của giá hướng lên trần nhà dán một số hình ảnh, sao cho chúng không thể được nhìn thấy từ phía dưới. Mục đích là, nếu một bệnh nhân ngưng tim thực sự có linh hồn thoát ra khỏi xác và bay lên trần nhà, điều mà nhiều người từng báo cáo khi trải nghiệm cận tử, bệnh nhân này sẽ có thể kể lại những hình ảnh trên giá khi tỉnh lại. Năm 2014, kết quả của AWARE được công bố, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 2060 ca bệnh ngưng tim, 140 người đã được cứu sống, trong đó có 9% báo cáo đã trải nghiệm cận tử. Tuy nhiên, chỉ có 2 bệnh nhân nói rằng họ có trải nghiệm OBE bên ngoài cơ thể.
Một trong hai bệnh nhân quá yếu để có thể được phỏng vấn. Bệnh nhân còn lại là một người đàn ông 57 tuổi, nói mình đã thoát xác và bay lên góc của phòng hồi sức. Đáng tiếc là căn phòng này không được trang bị những giá ảnh, tuy nhiên, báo cáo của Parnia xác thực lời kể của bệnh nhân này, nói rằng ông ấy đã nhìn thấy các nhân viên y tế cứu mình bằng máy khử rung tim. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng bệnh nhân đã có thể thấy những điều đã diễn ra sau 3 phút tim ngừng đập. Nếu đúng, đó là một điều đáng chú ý. Bởi dựa trên điện não đồ, các tín hiệu điện trong não sẽ biến mất hoàn toàn sau 20 giây tim ngừng đập. Hồi sức tim phổi đủ để làm máu chảy trở lại, làm chậm quá trình chết của tế bào nhưng không đủ để kích thích não. Khác hẳn với những bệnh nhân hôn mê nhưng não còn hoạt động, bộ não của người đàn ông 57 tuổi này đã tắt hoàn toàn từ sau 20 giây lúc ông ngừng tim cho đến khi tim ông ta đập trở lại. Dự án AWARE lần đầu tiên cho kết quả đáng thất vọng, mặc dù có tới hơn 1.000 giá treo ảnh đã được đặt tại các bệnh viện, chỉ có khoảng 22% các giá này ở gần nơi những ca hồi sức diễn ra để hứng được “linh hồn” của người bệnh nếu chúng thực sự thoát ra ngoài. Rút kinh nghiệm từ dự án đầu tiên, Parnia đã khởi động dự án AWARE II ngay trong năm 2014. Kết quả của nó dự kiến sẽ được công bố vào năm 2020.
Tiến bộ của y học chắc chắn đã và sẽ tiếp tục ủng hộ các nghiên cứu trải nghiệm cận tử. Khi bác sĩ ngày càng có nhiều công nghệ để đem bệnh nhân trở về từ bờ vực của cõi chết, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội hơn để nghiên cứu trải nghiệm cận tử. Hồi sức tim phổi đã cứu sống nhiều bệnh nhân ngưng thở và ngưng tim hơn. Trong đó, một tỷ lệ khoảng 2,7% bệnh nhân sống sót sau khi ngưng tim có trải nghiệm cận tử. Chúng ta cũng có những người chết lâm sàng đến hàng giờ trong nước lạnh hoặc trong tuyết rồi vẫn được cứu sống để kể lại câu chuyện của họ.
Các bác sĩ phẫu thuật cũng đang thử nghiệm một kỹ thuật, trong đó họ chủ động đưa bệnh nhân vào cái chết lâm sàng, làm lạnh cơ thể họ và ngừng tim để thực hiện các thủ thuật chính xác. Kỹ thuật khiến bệnh nhân “tạm chết” cũng có thể được dùng trong trường hợp cấp cứu nạn nhân bị thương nặng, giúp họ có thêm thời gian vàng để kịp đến bệnh viện. Tất cả những tiến bộ này sẽ tiếp tục giúp NDE tử trở thành trải nghiệm tâm linh duy nhất mà chúng ta có thể điều tra một cách toàn diện bằng khoa học. Và ngay tại thời điểm này, những bằng chứng đang hội tụ để hỗ trợ lý thuyết rằng trải nghiệm cận tử được tạo ra bởi não bộ chứ không phải sự có thật của linh hồn hay thế giới bên kia. Cho nên, khi được nghe một câu chuyện hay thậm chí chính mình trải nghiệm cận tử, bạn hãy nghĩ về khoa học của nó. Trải nghiệm cận tử không phải là bằng chứng về sự tồn tại của linh hồn hay một thế giới bên kia. Chẳng qua con người vốn hay tin và thích tin vào những câu chuyện li kỳ rồi bỏ qua sự giải thích lạnh lùng của khoa học phía sau chúng. David Hume, nhà triết học vĩ đại người Scotland từng phân tích về niềm tin của con người vào những câu chuyện kỳ lạ được kể lại. “Không có chứng ngôn nào đủ để chứng minh một điều kỳ lạ, trừ khi chứng ngôn đó thuộc loại, mà sự sai lầm của nó còn kỳ lạ hơn cả sự thật mà nó đang cố gắng chứng minh“, ông đưa ra một nguyên tắc để mọi người áp dụng bất cứ khi nào nghe kể về những câu chuyện siêu nhiên. Điều gì có khả năng xảy ra hơn? Điều kỳ lạ, hay những lời kể của người khác về điều kỳ lạ không đúng ở đâu đó? Chúng ta có rất ít bằng chứng về những phép lạ, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy mọi người hiểu lầm, tự thuyết phục mình hiểu lầm, phóng đại, hoặc thậm chí tạo nên những câu chuyện về những gì họ nghĩ mình đã chứng kiến hoặc trải nghiệm.
Ví dụ về một điều kỳ lạ của Hume là sự sống lại của người chết. Điều gì có nhiều khả năng xảy ra hơn: những người chết có thể trở lại cuộc sống, hay lời kể của những người chết sống lại bị sai sót ở đâu đó? Hume trả lời câu hỏi đó như thế này: “Khi bất cứ ai nói với tôi rằng anh ta thấy một người chết hồi sinh, tôi ngay lập tức tự vấn mình liệu nó có thể xảy ra hay không, rằng người này đã tự lừa dối hay bị lừa dối, hoặc sự kiện mà anh ta nhắc đến là thực, có phải nó đã thực sự đã xảy ra. Tôi đặt lên bàn cân hai điều kỳ lạ, và theo kết quả khám phá ra được, tôi tuyên bố quyết định của mình, luôn luôn bác bỏ điều kỳ lạ hơn. Liệu sự nhầm lẫn trong lời kể của anh ấy kỳ lạ hơn điều mà anh ấy nói đến, nếu không phải vậy thì, anh ta có thể chỉ bịa ra câu chuyện để điều khiển niềm tin hoặc quan điểm của tôi mà thôi“. Áp dụng nguyên tắc của Hume cho trải nghiệm cận tử, chúng ta có thể hỏi điều gì sẽ kỳ lạ hơn: Sai sót đâu đó trong lời kể về những trải nghiệm này hay chúng thực sự có thật? Trải nghiệm cận tử đại diện cho sự tồn tại của linh hồn và thế giới bên kia, hay chúng chỉ được vẽ ra bởi hoạt động sinh động của não bộ, thứ sẽ được khoa học giải thích cặn kẽ vào một ngày nào đó?