Các smartphone cao cấp luôn mang tới cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời, nhưng sự phát triển không ngừng của các smartphone tầm trung thời gian gần đây khiến với một số tiền ít hơn người dùng vẫn được trải nghiệm những tính năng tuyệt vời hàng đầu trên các điện thoại đầu bảng.
Và câu hỏi đặt ra là có nên mua smartphone đầu bảng hay chọn những smartphone tầm trung để tiết kiệm túi tiền của mình? Để trả lời câu hỏi này, GMSArena đã mở một topic để thảo luận, và dưới đây là ý kiến của 2 chuyên gia với cách nhìn khác nhau trong vấn đề này.
Yordan: “hai smartphone mới ra mắt có được tốc độ xử lý tốt hơn các điện thoại đầu bảng”
Đầu năm nay, tôi đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Ivan về vấn đề Tùy chỉnh ROM và dung lượng Android. Và một trong những ý kiến của tôi là các nhà sản xuất biết đâu là khách hàng tiềm năng của họ và điều này là nguyên nhất khiến họ phân chia khách hàng của mình ra các phân khúc khác nhau.
Công nghệ ngày nay đang phát triển mạnh mẽ và thay đổi từng ngày, và như thế sẽ thật là một sai lầm nếu bạn cứ mãi trung thành với một thiết bị. Nhưng cũng thật may mắn là sự đa dạng và cạnh tranh giữa các nhà sản xuất giúp người dùng sẽ luôn tìm cho mình những lựa chọn tuyệt vời ở bất kỳ thời điểm nào.
Các smartphone tầm trung có được sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Tôi hiểu là với nhiều người thì việc gắn bó với một chiếc điện thoại và tận dụng hết năng lực tiềm ẩn của nó sẽ dễ dàng hơn là cứ mãi theo đuổi quá nhiều tính năng từ thế giới smartphone. Nhưng xét về mặt logic công nghệ mà nói thì một chiếc smartphone chỉ sau 15 tháng là trở nên lỗi thời, và các ứng dụng đã từng sử dụng mượt mà cũng trở nên chậm chạp hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, đối với tôi mà nói thì tôi ưu tiên việc thay đổi điện thoại thường xuyên hơn là “liều mình” gắn bó với một thương hiệu nào đó.
Huawei và Xiaomi hiện là một trong số ít các nhà sản xuất vẫn tiếp tục việc mở rộng thị trường của họ dựa vào việc tận dụng ưu thế về giá. Tuy nhiên, họ không sản xuất những chiếc điện thoại rẻ tiền kém chất lượng, mà là cố gắng mang tới những thứ tốt nhất cho người dùng trong một mức ngân sách chấp nhận với túi tiền của đại đa số người dùng.
Tôi không muốn thực hiện bài toán so sánh chi phí – lợi ích giữa việc chọn mua Huawei P20 Lite hoặc là Samsung Galaxy J5 2017 với việc mua iPhone X của Apple. Ở đây, tôi muốn lấy ví dụ về chiếc smartphone tầm trung Redmi Note 5 – ra mắt vào tháng 2/2018- được trang bị camera kép hỗ trợ AI, dung lượng RAM tốt hơn, pin cũng được cải thiện so với Xiaomi Mi 5s – một trong những mẫu smartphone cao cấp một thời. Vậy tại sao chúng ta cứ phải bó buộc mình thay vì hoàn toàn có thể có được nhiều trải nghiệm tốt hơn, trong một tầm giá rẻ khi lựa chọn các smartphone tầm trung.
Đấy là chưa kể đến việc các chi phí sửa chữa, thay thế khi chẳng may bạn làm rơi vỡ màn hình hoặc các chi tiết nào đó của smartphone tầm trung cũng giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn so với chi phí thay thế trên smartphone cao cấp.
RO “Sự thỏa hiệp sẽ quay trở lại phản công bạn”
Trước khi bắt đầu, tôi phải nói là tôi đồng ý với ý kiến của Yordan. Vâng, ngày nay các smartphone tầm trung ngày nay đã khác rất nhiều so với thời điểm 4-5 năm về trước. Đơn cử như chiếc Moto G – một trong điện thoại tầm trung có được ý kiến đánh giá tích cực từ các chuyên gia công nghệ lẫn người dùng – đã có được sự thành công nhất định trong doanh số bán ra của mình.
Chính vì thế, ngày nay chúng ta sẽ không phải tiêu tốn quá nhiều tiền cho một thiết bị có khả năng chụp ảnh tuyệt vời, và chia sẻ chúng với bạn bè, hoặc là việc truy cập internet và chạy các ứng dụng mới nhất. Tuy nhiên, các thiết bị cao cấp vẫn mang tới cho người dùng những trải nghiểm không thể phủ nhận.
Smartphone cao cấp vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời.
Cũng giống như trong lĩnh vực máy tính, việc dành thêm một chút tiền để đầu tư cho những phần cứng cao cấp sẽ giúp bạn đảm bảo một vòng đời lâu dài hơn mà không cần liên tục nâng cấp sau mỗi năm. Một số người cho rằng các điện thoại đầu bảng của Apple và Samsung trong thời gian gần đây chưa thực sự mang tới những cải tiến mang tính đột phá nào mới. Tuy nhiên, tôi nghĩ một phần là do họ (nhà sản xuất) đã tính tới sự phát triển công nghệ trước tới 2 năm, và do đó, người dùng smartphone cao cấp không cần thiết phải đổi mới smartphone của họ hàng năm.
Tôi cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng các smartphone cao cấp cũng bị làm chậm sau một vài năm sử dụng. Vì tôi nghĩ rằng điều này là do những phần mềm và ứng dụng mà người dùng sử dụng không ngừng tăng sau mỗi năm sử dụng.
Thêm vào đó, các smartphone flagship cũng luôn được các nhà sản xuất ưu tiên cập nhật hệ điều hành mới nhất – với những sự nâng cấp về khả năng bảo mật và nhiều tính năng tuyệt vời.
Lấy đơn cử như chiếc OnePlus 3 và 3T – ra mắt năm 2016, đến nay, sau mỗi lần Android mới ra mắt nó luôn là thiết bị được ưu tiên cập nhật mới nhất, thử hỏi trên thị trường có điện thoại tầm trung nào có được điều này.
Không chỉ thế, sau 3 năm sử dụng, máy vẫn hoạt động hết sức mượt mà như thuở ban đầu. Và chip Snapdragon 820 của nó thực sự vẫn thách thức rất nhiều vi xử lý tầm trung sau gần 3 năm ra mắt với khả năng xử lý mạnh mẽ tuyệt vời.
Và tiện thể nói về SoCs, chúng ta có thể nhận thấy rằng các smartphone tầm trung mặc dù liên tục được nâng cấp nhưng đó là một sự thay đổi “không đáng kế”. Đơn cử như Huawei P20 Lite – sử dụng chip HiSilicon Kirin 659 – được cho là mạnh mẽ nhưng nó cũng chỉ là một sự cải biến nhẹ từ Kirin 650, 655 hoặc 658 trước đó áp dụng trên các smartphone tầm trung của Huawei trước đó.
Cuối cùng là về mức giá cả, tôi không phủ nhận các smartphone đã có một sự leo thang vượt bậc về giá trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tôi cũng chắc chắn một điều rằng tổng giá tiền mua 2 chiếc smartphone tầm trung cho mỗi năm thậm chí còn cao hơn số tiền mà bạn bỏ ra để mua một chiếc flagship ở hiện tại để sử dụng cho 2 năm.
Vậy ý kiến của bạn là gì? Nên đầu tư tiền để mua một chiếc smartphone cao cấp hay để dành tiền để trải nghiệm công nghệ mới mỗi năm?
Theo Mộc Lam (Dân Việt)