Ngày 13/4 vừa qua, công ty con của Xiaomi là Nanchang Black Shark Technology đã chính thức công bố chiếc smartphone chuyên chơi game của mình mang tên Black Shark.
Đây không phải chiếc smartphone gaming đầu tiên chúng ta được thấy. Năm 2011, Sony tung ra chiếc Xperia Play với thiết kế dạng trượt để lộ ra cụm phím bấm dành cho game, tuy nhiên nó nhanh chóng thất bại. Cuối năm 2017, Razer một lần nữa thử sức với lĩnh vực này qua Razer Phone. Đến năm nay, Xiaomi và Nubia (ZTE) là hai nhà sản xuất tiếp theo tham gia vào trào lưu. Asus cũng cho biết hãng đang có kế hoạch tung ra một chiếc smartphone như vậy. Có thể thấy, game đang dần trở thành một xu thế mới ở lĩnh vực smartphone.
Bên cạnh những yếu tố cơ bản mà mọi smartphone chơi game đều phải có như màn hình lớn, cấu hình mạnh, pin “trâu”… thì Black Shark còn sở hữu rất nhiều tính năng hỗ trợ game thủ, trong đó có cả phụ kiện gamepad phụ trợ cho quá trình chơi game. Các bạn có thể xem bài viết giới thiệu về Black Shark để có một cái nhìn tổng quan về những điểm mạnh của chiếc máy này.
Mới đây, chúng tôi đã có dịp được trên tay trực tiếp chiếc smartphone đình đám này. Đây là một trong những chiếc máy đầu tiên được nhập về Việt Nam, sở hữu cấu hình mạnh nhất gồm RAM 8GB – ROM 128GB và mức giá 18 triệu đồng. 
Hộp của smartphone Black Shark (trái) và phụ kiện tay cầm chơi game
Cạnh trái của cả hai chiếc hộp là tên “Black Shark” được làm màu xanh
Chiếc Black Shark chúng tôi trên tay là phiên bản cao cấp nhất với RAM 8GB và ROM 128GB. Ngoài ra, chiếc máy này còn có phiên bản giá rẻ hơn với RAM 6GB và ROM 64GB.
Khi mở hộp, chúng ta sẽ thấy dòng chữ “You’re Gamer” (Bạn là game thủ) và “Let’s Shark” (Hãy “chiến” thôi!)
Phụ kiện bên trong gồm sạc, cáp USB-C, adapter USB-C sang 3.5mm, HDSD, miếng dán màn hình và bộ lau màn hình để dán. Ngoài ra, nó còn có một chiếc ốp lưng rất đặc biệt mà chúng tôi sẽ đề cập ở dưới đây.
Củ sạc này là củ sạc nhanh, rất giống với sạc của các máy Xiaomi mà người dùng đã quen thuộc, chỉ khác là nó mang logo Black Shark
Đây là chiếc ốp lưng mà chúng tôi nói đến. Nói là ốp lưng thật ra không chính xác – thực chất nó chỉ là ốp viền
Bên cạnh công dụng bảo vệ máy, chiếc ốp này còn có vai trò rất quan trọng trong quá trình người dùng kết nối với phụ kiện tay cầm
Đây là chiếc Black Shark. Máy sở hữu thiết kế rất hầm hố, đậm chất gaming. Phần chính giữa của mặt lưng này (với logo chữ S) được làm bằng nhôm, còn lại xung quanh được làm bằng nhựa. Việc sử dụng nhựa không hẳn đã là một điều xấu, do chất liệu này sẽ tạo nên cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn, giúp ích cho quá trình chơi game
Mặc dù là chiếc smartphone chuyên game, tuy nhiên Black Shark cũng có thông số máy ảnh khá tốt gồm cụm camera kép 12MP f/1.75 và 20MP f/1.75, lấy nét theo pha, đèn flash hai tông và chế độ chụp ảnh xóa phông.
Ở chế độ chụp thường, Black Shark gây bất ngờ khi thể hiện khá tốt. Tuy nhiên, một thứ mà nhà sản xuất này chắc chắn sẽ cần cải tiến trong tương lai là chế độ chụp ảnh xóa phông. Hiện tại, chế độ này thường xóa sai chi tiết, tạo nên những bức ảnh không thể sử dụng được
Logo Black Shark ở nửa dưới
Ở mặt trước, Black Shark sở hữu màn hình của máy có kích thước 5.99 inch, độ phân giải 1080×2160 (tỷ lệ 18:9), độ sáng 550 nits và đạt 97% dải màu DCI-P3. Tiếc rằng, tần số quét của nó không đạt mức 120Hz như Razer Phone.
Xung quanh màn hình này là một lớp cắt kim cương màu xanh
Bên trên màn hình là cụm cảm biến, loa ngoài kiêm loa thoại và camera selfie 20MP f/2.2
Bên dưới là nút Home cảm ứng kiêm cảm biến vân tay, hai bên là hai nút điều hướng của Android
Cạnh dưới là cổng USB-C, mic và loa ngoài thứ hai. Máy không có jack cắm tai nghe.
Ở cạnh trái là một cần gạt. Khi gạt sang trái, máy sẽ kích hoạt vào chế độ chơi game riêng mang tên “Shark Mode”. Các phím bấm điều hướng sẽ tạm thời bị vô hiệu hóa, và người dùng phải gạt nó về bên phải thì mới có thể thoát ra khỏi game để trở về màn hình chính
Cấu hình máy gồm chip Snapdragon 845, dung lượng RAM 6GB/8GB, bộ nhớ trong 64GB/128GB UFS 2.1. Để có thể duy trì hiệu năng lâu dài, Xiaomi đã trang bị cho Black Shark hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng, mà theo hãng là sẽ giúp giảm nhiệt độ cho con chip đến 8 độ C. Qua chấm điểm nhanh bằng công cụ AnTuTu Benchmark, máy đạt gần 270.000 điểm.
Black Shark chạy JoyUI – một giao diện riêng của hãng này. Tuy nhiên thực tế thì nó khá giống với MIUI, chỉ khác là giao diện sử dụng tông đen – xanh nhiều hơn.
Một phụ kiện mà người dùng Black Shark không thẻ bỏ qua là tay cầm chơi game. Nó có giá 179 NDT (650.000 đồng), tuy nhiên 50.000 người mua smartphone Black Shark đầu tiên sẽ được tặng miễn phí.
Mặt sau của hộp là một số thông tin về sản phẩm
Và đây là chiếc tay cầm. Nó có rất nhỏ gọn và được thiết kế để cắm trực tiếp vào điện thoại. Ở mặt trước của nó là một Dpad 4 chiều và nút bấm để bật/tắt.
Ở cạnh trên chúng ta có hai nút bấm nữa, và một nút bấm nhỏ để tháo chiếc gamepad này khỏi điện thoại
Phần báng cầm được làm họa tiết sần để giúp cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn. Ngoài ra, nó cũng có cổng sạc USB-C.
Trước khi lắp tay cầm, người dùng cần làm một việc rất quan trọng là lắp chiếc ốp tặng kèm, nếu không sẽ rất lỏng lẻo
Đây là Black Shark sau khi đã lắp thêm chiếc ốp
Đến đây, người dùng có thể lắp tay cầm vào máy. Sau đó chúng ta tiến hành bật Bluetooth trên điện thoại để kết nối.
Khi lắp thêm tay cầm, Black Shark càng trở nên hầm hố hơn
Cảm giác cầm Black Shark khi lắp tay cầm để chơi game là khá thoải mái
Trải nghiệm tựa game phổ biến là Liên Minh Huyền Thoại, gamepad này hỗ trợ rất tốt
Tương tự như vậy, nó cũng hoạt động hoàn hảo với một tựa game phổ biến khác là Rules of Survival
Phụ kiện này giúp quá trình trải nghiệm game được cải thiện rất nhiều, do ngón tay không còn vướng và che khuất màn hình
Trải nghiệm nhanh Liên Quân Mobile và Rules of Survival với Black Shark và tay cầm
Xin cảm ơn cửa hàng Mi Store đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!