Trong 6 thí nghiệm về sự chuyển dịch của mực nước, quạ tỏ ra kém nhất với trường hợp bình chữ U thông nhau – phys.org
Được xếp vào nhóm động vật thông minh nhất hành tinh, quạ là loài duy nhất không thuộc linh trưởng mà có thể tạo và sử dụng công cụ lao động.
Nhiều nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi trên tạp chí khoa học và truyền thông trong 10 năm nay càng chứng minh bộ óc đầy tiềm năng của loài vật gắn liền điềm xui xẻo này.
Trong nhiều thí nghiệm, người ta thấy quạ dùng que củi để móc thức ăn ngoài tầm với, bẻ cong thanh kim loại mỏng để làm công cụ mặc dù trước đó chưa hề được tiếp xúc.
Quạ bẻ cọng kim loại thẳng để tạo ra công cụ lấy thức ăn đặt bên trong ống – Ảnh: Nhóm nghiên cứu ĐH Oxford
Và để dụ quạ lấy được thức ăn, các nhà khoa học dựng lên hệ thống gồm 8 bước, thí nghiệm chứng minh quạ có thể giải quyết lần lượt vấn đề phức tạp theo trình tự chính xác.
Quạ được cho rằng có thể hiểu phương pháp tư duy loại suy – một yếu tố cho thấy trí thông minh bậc cao.
Chia sẻ trên Thời báo New York, nhóm nghiên cứu tại ĐH Washington (Mỹ) kết luận quạ có thể nhớ mặt kẻ xấu và chia sẻ mối nguy hiểm đó đến đời con và bầy đàn.
Quạ có bộ óc thông minh và trí nhớ tốt, ghi nhớ một số chi tiết đặc trưng như diện mạo kẻ xấu, phương thức hành động, thậm chí sau 1 tháng và 2 năm sau, tỉ lệ quạ trong thí nghiệm ghi nhớ chuyện cũ tăng gấp đôi. Theo nhóm, quan sát là cách để loài này học cách thích nghi.
Quạ ở New York được đánh dấu cho thí nghiệm về ghi nhớ và nhận diện mặt người – Ảnh: Kevin J. McGowan
Trong khi đó, ông Kevin J. McGowan chuyên nghiên cứu chim tại PTN Cornell (New York) đã tiến hành bẫy và làm dấu lên quạ trong 20 năm. Ông cho biết sau khi thả chúng ra ông thường xuyên bị đeo bám bởi những cá thể được ông cho ăn lạc; ngược lại ông cũng bị quấy rối bởi những cá thể từng bị ông giam cầm.
Tính thù dai của quạ còn được nghiên cứu trong một số thí nghiệm khác khi chúng bay qua vùng đất từng bị săn bắn, cả đàn sẽ thay đổi đội hình bay. Thỉnh thoảng người ta thấy quạ còn lập ra “phiên tòa” nơi bầy quạ vây quanh và phán xử một cá thể “phạm tội”, chẳng hạn ăn cắp thức ăn của quạ con.
Năm 2014, nghiên cứu về quạ và bình nước được tái hiện lại dưới góc nhìn các nhà khoa học ở ĐH Cambrige (Anh) và ĐH Auckland (New Zealand).
Với nhiều phương án, giống quạ New Caledonian được thí nghiệm ưu tiên chọn đá để thả vào bình thay vì cát, chọn vật rắn chìm dưới nước thay vì vật rỗng nổi trên mặt; quạ thả vào bình có mực nước cao hơn thay vì bình có mực nước thấp hơn.
Từ những hành vi đó, các nhà khoa học kết luận quạ có thể hiểu về mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, dự đoán cách thế giới vận động.
Tuy nhiên, quạ nhận thức kém hơn trước hai bình nước có đường kính khác nhau và trường hợp bình thông nhau. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận quạ New Caledonian có khả năng nhận thức tinh vi nhưng chưa đầy đủ về sự dịch chuyển, tương đương đứa trẻ 5-7 tuổi.
Quạ hoang dùng giao thông để tách vỏ hạt – Video: BBC wildlife
Một số quan sát thú vị ngẫu nhiên khác như: quạ sẽ không giấu thức ăn của chúng nếu bạn cứ nhìn chằm chằm.
Tại một số thành phố lớn, người ta còn thấy quạ thả những quả hạch xuống làn đường xe chạy để tách vỏ. Chúng ngắm đèn giao thông và chỉ sà xuống nhặt lại quả hạch khi tín hiệu băng đường cho người đi bộ bật xanh…