Trên sân khấu của sự kiện Google I/O vừa qua, Google đã khiến tất cả những người tới trực tiếp tham dự, cũng như những người theo dõi qua Livestream phải “tròn mắt” khi trình diễn một sản phẩm, mà nhiều khả năng sẽ vượt qua được phép thử Turing. Sản phẩm đó chính là Duplex, hệ thống AI tân tiến của Apple với khả năng làm tất cả những công việc mà một người trợ lý có thể làm. Trước mặt toàn bộ khán giả, Google đã trình diễn khả năng của Duplex, khi đặt lịch hẹn ăn tối và cắt tóc một cách hết sức ấn tượng – khi mà người ở đầu dây bên kia cuộc điện thoại chẳng hề biết rằng “người” đặt lịch thực ra là AI. Các bạn có thể xem lại màn trình diễn ấn tượng đó ở đoạn Video dưới đây:
Tuy nhiên, đừng vội vui mừng hay lo lắng làm gì cả. Bởi lẽ, từ Google I/O đến cuộc sống hàng ngày hãy còn xa lắm. Năm ngoái, cũng tại chính sân khấu của Google I/O, CEO Sundar Pichai hứa hẹn về một bản cập nhật AI trong Google Photos, cho phép bạn xóa bất cứ thứ gì không mong muốn trong ảnh. Đó là một khoảnh khắc hết sức ấn tượng trên sân khấu của Google I/O 2017.
Theo lời của Pichai trên sân khấu hôm đó: Giả dụ như bạn chụp một bức hình của con gái bạn đang chơi bóng chày mà lại bị hàng rào chắn mất, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề đó cho bạn, bằng cách xóa hàng rào đi. Tính năng này sẽ sớm được cập nhật cho Google Photos vào thời gian tới. “Sớm được cập nhật”. Và 1 năm trôi qua chúng ta vẫn chưa thấy bản cập nhật đó đâu. Năm 2014, Google công bố về dự án Tango. Khi ấy, Google chẳng hứa hẹn gì về việc vận chuyển thiết bị cả, đơn giản vì đó chỉ là một bộ công cụ phát triển cho các thiết bị khác mà thôi. Thế nên, 2 năm sau, người dùng mới được chạm vào thành phẩm của dự án này, là một chiếc điện thoại kiểu phablet (Lenovo Phab 2 Pro). Một năm sau đó, Asus công bố về chiếc điện thoại Zenfone AR, sử dụng công nghệ Tango. Kết quả, đây lại là một sản phẩm thất bại khác, bị giới công nghệ trên toàn thế giới “gạch đá” tưng bừng. Asus cũng từ bỏ, không làm bất cứ sản phẩm kế nhiệm nào dùng Tango nữa. Và thế là cuối cùng, Google cũng đóng cửa dự án Tango, để tập trung vào ARCore.
Năm 2016, cũng tại sự kiện I/O, Google công bố về việc mang các ứng dụng Android đến với Chromebook và cuối năm. Cuối năm 2016, điều đó cũng biến thành sự thật, nhưng lỗi lên lỗi xuống. Các ứng dụng Android có thể chạy trên hệ điều hành ChromeOS, nhưng để chúng “chạy được” là cả một sự kỳ công. Vậy nên người dùng cuối cùng vẫn phải quay lại với các ứng dụng “ăn theo” trên ChromeOS. Giờ thì Google hứa hẹn sẽ hỗ trợ cả ứng dụng Linux trên Chromebook luôn. Cứ thong thả chờ đợi, đừng vội hype làm gì. Đương nhiên, tất cả những điều trên cũng không phải kể ra để chê trách Google. Làm công nghệ rất khó. Sáng tạo công nghệ còn khó hơn. Và tạo ra những sản phẩm, những tính năng có khả năng thay đổi thế giới đều đặn hàng năm là chuyện hoàn toàn bất khả thi. Tuy nhiên, người dùng lại vẫn luôn kỳ vọng vào việc Google, Apple, hay bất cứ ông lớn nào khác trên thế giới có thể làm được điều bất khả thi đó. Vậy nên trong những lúc như thế này, có lẽ bớt kỳ vọng hơn một chút sẽ tốt hơn. Tham khảo The Next Web