Nội dung thông cáo ghi rõ: Qua các biện pháp nghiệp vụ từ ngày 15 đến ngày 17/4/2018, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra, phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản (do Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh) do bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông làm chủ, đang sử dụng dung dịch màu đen (nước và pin đập dập), để ngâm, tẩm, nhuộm đen hỗn hợp (gồm: vỏ cà phê, sỏi nhỏ khoảng 0,5 – 1,0mm), dùng cối trộn bê tông trộn hỗn hợp, sau đó sấy khô, đóng bao để đưa đi tiêu thụ. 
Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn hỗn hợp nêu trên được đóng trong bao bì, 40 lít dung dịch màu đen, 35kg pin bị đập dẹp; 192kg nắp, lõi và vỏ pin. 
Hiện, cơ quan Công an đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung điều tra làm rõ các nội dung: Bà Loan sản xuất hỗn hợp nêu trên để đưa đi tiêu thụ ở đâu, số lượng bao nhiêu? Mục đích sử dụng hỗn hợp nêu trên để làm gì? Có sử dụng hỗn hợp trên làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hay không? Các nội dung liên quan khác nhằm làm rõ hành vi vi phạm? Từ đó làm cơ sở để tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Pin con ó được đập bể, lấy bột đen để làm “phụ gia” sản xuất cà phê bột tại cơ sở bà Loan. Ảnh: C.A.
Liên quan sự việc này, tại buổi họp báo vào chiều ngày 18/4, Đại tá Lê Vinh Quy, Cơ quan CSĐT cũng cho biết: “Đối tượng rất quanh co nên công tác đấu tranh có gặp khó khăn. Hiện công an đang tập trung làm rõ phế phẩm cà phê sau sơ chế tại cơ sở bà Loan có biến thành thực phẩm và đem rang xay làm cà phê bột. Nếu cà phê pin thành thực phẩm, đồ uống thì bà Loan phạm tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại điều 317 Bộ luật hình sự 2015”.
Nói thêm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, cho biết hành vi trộn lõi pin vào cà phê để mang đi tiêu thụ có khả năng xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người dùng.
Theo đó, trường hợp này cơ quan chức năng có đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với bà Loan về việc vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
“Hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại Điểm a Khoản 1 Điều 317, quy định trách nhiệm hình sự về Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm”, luật sư Hậu nói.
Vị luật sư này cũng cho biết, tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, về tội Vi phạm quy định an toàn thực phẩm, mức phạt đối với hành vi này như sau: Mức phạt thấp nhất là 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm; mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm.
“Ngoài ra, những cơ sở buôn bán cà phê do bà Loan cung cấp cũng có thể bị xử lý về hành vi kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại”, vị này nói thêm.
Hương Nguyễn (t/h)