TV OLED là gì?
Ba nhà sản xuất TV OLED nổi bật hiện nay là LG, Sony và Panasonic.
TV OLED là dòng TV sở hữu công nghệ màn hình OLED (Organic Light-Emiting Diode), tức là sử dụng các tấm nền có diode hữu cơ phát quang mà không cần đến đèn nền như công nghệ LCD hoặc Plasma. Bản thân mỗi điểm ảnh trên TV OLED sẽ tự phát sáng và bật tắt một cách độc lập khi có dòng điện chạy qua.
Cấu tạo của màn hình OLED nói chung bao gồm tấm nền để chống đỡ màn hình, lớp Anode trong suốt, các lớp hữu cơ gồm lớp dẫn và lớp phát sáng rồi đến lớp Cathote trên cùng giúp tạo ra các electron khi dòng điện chạy qua.
So với dòng TV LED vốn đang rất phổ biến trên thị trường, công nghệ màn hình OLED có những ưu nhược điểm khá nổi trội.
Ưu điểm của TV OLED
OLED mang lại độ mỏng và chất lượng hình ảnh vượt trội so với công nghệ LED.
Điểm nổi trội lớn nhất của công nghệ OLED là không sử dụng đèn nền. Do đó, dòng TV này giảm được rất nhiều lớp vật liệu trên tấm nền, giúp cho màn hình trở nên mỏng hơn TV LED. Điều này cũng giúp cho nhà sản xuất có thể sáng tạo ra các mẫu sản phẩm dễ dàng dán lên tường, gập hoặc cuộn được. Người dùng nhờ đó có thể tùy biến nội thất để khiến phòng khách thêm sang trọng và ấn tượng hơn nhờ thiết bị điện tử này.
Về chất lượng hình ảnh, công nghệ OLED có độ chi tiết cao, màu sắc phong phú và chuẩn xác. So với TV LED thông thường, các điểm ảnh trên TV OLED có khả năng hiển thị màu tốt với độ sâu vượt trội, đặc biệt với “màu đen tuyệt đối” do điểm ảnh được tắt một cách hoàn toàn chủ động. Góc nhìn cũng cải thiện hơn đáng kể so với những TV sử dụng công nghệ cũ.
Về độ mượt mà của hình ảnh chuyển động, do công nghệ OLED sử dụng các điểm ảnh siêu nhỏ có khả năng bật tắt liên tục một cách độc lập, tần số quét của TV sẽ cao hơn đáng kể (vào khoảng 1.000 hình ảnh mỗi giây). Do đó, chất lượng hiển thị càng cao, các cảnh chuyển động thêm mượt, đặc biệt với nội dung thể thao hoặc phim hành động.
Bên cạnh đó, nhờ việc không sử dụng đèn nền, TV OLED cũng loại bỏ được hiện tượng hở sáng, một lỗi thường thấy trên các dòng TV LED truyền thống. Việc các diode tự phát sáng cũng giúp cho dòng sản phẩm này sử dụng điện năng ít hơn, giúp tiết kiệm điện cho người sử dụng.
Nhược điểm của dòng TV OLED
TV OLED vẫn hạn chế về mẫu mã và có giá thành cao.
Đầu tiên và cũng đáng chú ý nhất ở TV OLED là mức giá khá cao của dòng sản phẩm này. Nguyên nhân bắt nguồn từ công nghệ phức tạp và chí phí sản xuất cao, khiến cho các sản phẩm hiện có trên thị trường hầu như đều có mức giá từ 40 triệu đồng trở lên, thậm chí có mẫu có giá tới 300 triệu đồng. Tuy nhiên, với ngân sách 30 triệu đồng, người dùng vẫn có lựa chọn nhưng độ phân giải màn hình chỉ là Full HD. Trong thời gian tới, giá của dòng sản phẩm này có thể sẽ giảm nhờ việc tối ưu quy trình chế tạo từ nhà sản xuất.
Thứ hai, “sân chơi” OLED hiện nay thuộc về ba thương hiệu chính là LG, Sony và Panasonic. Điều này hạn chế số lượng và mẫu mã của các sản phẩm, khiến cho người dùng dễ băn khoăn trước các lựa chọn phong phú hơn, đặc biệt từ các dòng TV QLED của Samsung với kiểu dáng và kích thước đa dạng hơn.
Cuối cùng, về lý thuyết, một nhược điểm khác là việc màn hình OLED có tuổi thọ thấp hơn màn hình LED và rất dễ hỏng khi gặp nước. Nguyên nhân bởi chất liệu hữu cơ sử dụng để chế tạo các bóng OLED có tốc độ thoái hoá theo thời gian nhanh, đặc biệt mỗi màu sắc lại có tốc độ thoái hoá khác nhau. Tuy các nhà sản xuất đã hứa hẹn sử dụng công nghệ mới để làm tăng tuổi thọ cho màn hình, hiệu quả cuối cùng vẫn cần một thời gian nữa để xác minh trong thực tế.
Mai Anh