Dự án Luật An ninh mạng đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội. Dự thảo luật An ninh mạng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có nhiều nội dung được chỉnh lý, hoàn thiện, gồm có 7 chương và 47 điều, giảm 4 điều so với dự thảo đã trình tại kỳ họp thứ tư.
Hôm qua, ngày 29/5/2018, dự án Luật An ninh mạng đã được Quốc hội đưa ra phiên thảo luận tại hội trường để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Trong gần 20 ý kiến trao đổi của các đại biểu Quốc hội, vẫn còn đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại một số quy định tại dự thảo Luật này có thể ảnh hưởng không tích cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp cũng như người dùng dịch vụ Internet. Liên quan đến nội dung này, ICTnews vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA):

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam – VIA.

Ở góc độ của Hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực Internet, xin ông cho biết đâu là những vấn đề mà VIA cho rằng còn cần được chỉnh sửa, điều chỉnh trong dự thảo Luật An ninh mạng?
VIA đã nhiều lần có những ý kiến liên quan đến dự luật An ninh mạng. Một trong những ý kiến chính đó là chúng tôi và các doanh nghiệp lo ngại sự trùng lặp của một số nội dung trong dự luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng. Với dự thảo mới nhất cho thấy sự lo lắng của cộng đồng là có cơ sở, khi trong dự luật An ninh mạng, bản thảo trực tuyến cách đấy mấy ngày vẫn còn Điều 49 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thông tin mạng nhưng bản thảo mới nhất hôm nay chúng tôi xem thì không còn Điều 49 này nữa.
Với các doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động trong ngành Internet, một ngành có vai trò tối quan trọng với tương lai kinh tế – xã hội của Việt Nam, thì việc lo lắng về chồng chéo và thiếu rõ ràng, sẽ làm giảm quyết tâm đầu tư dài hạn, và qua đó ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế số.
Đấy là chưa kể một số điều khoản khác có khả năng trùng lặp với các Luật khác đã có như Luật hình sự, Luật trẻ em, mà một số cơ quan hội đoàn và giới truyền thông đã đề cập.
Các hội, hiệp hội nghề nghiệp khác như Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội An toàn thông tin mạng Việt Nam trong các văn bản góp ý đã bày tỏ sự lo ngại Luật An ninh mạng nếu được thông qua có thể gây ra tác động tiêu cực với doanh nghiệp CNTT, An toàn thông tin đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. VIA có quan điểm thế nào về vấn đề này?

Trong các diễn đàn góp ý về dự luật này trước đây, VIA cũng đã đề cập quan điểm lo ngại các tác động tiêu cực, và mong muốn ban soạn thảo đưa ra các điều khoản rõ ràng về phạm vi, đặc biệt là về các hành vi cấm. Cùng quan điểm với các hội bạn, chúng tôi cũng lo lắng về tính khả thi của một số điều khoản của dự luật An ninh mạng, ví dụ như khoản 2 Điều 26, quy định phạm vi “Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam” là quá rộng và chúng tôi rất lo lắng về tính khả thi của điều khoản này.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tại điều 24, khoản 3c Điều 12 của dự thảo Luật An ninh mạng có thể dẫn đến nguy cơ xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật của người dùng dịch vụ. Vấn đề này theo VIA có thực sự đáng lo ngại và nếu có thì nên được sửa, điều chỉnh như thế nào?
Chúng tôi chia sẻ nỗi lo lắng của các đại biểu quốc hội về điều này. Đi vào câu chữ của Luật thì nằm ngoài chuyên môn sâu của chúng tôi, tuy nhiên chúng tôi cho rằng cần làm rõ cơ quan nhà nước cụ thể có quyền được làm việc gì cụ thể đối với hoạt động “kiểm tra an ninh mạng”, và ai là người quyết định quyền đó được thực thi. Các điều khoản này cần hết sức rõ ràng và đồng bộ với Hiến pháp và các Luật khác để đảm bảo tránh lạm quyền của các cơ quan liên quan.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho rằng, với các doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động trong ngành Internet, một ngành có vai trò tối quan trọng với tương lai kinh tế – xã hội của Việt Nam, thì việc lo lắng về chồng chéo và thiếu rõ ràng, sẽ làm giảm quyết tâm đầu tư dài hạn, và qua đó ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế số (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch dự án Luật An ninh mạng sẽ được Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua vào ngày 12/6 tới. Song trong bối cảnh vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, chưa đồng thuận như hiện nay, theo VIA liệu Quốc hội đã nên phê duyệt thông qua dự thảo Luật An ninh mạng ngay tại kỳ họp thứ 5 này hay chưa?
Theo chúng tôi, khi có nhiều vấn đề chưa hoàn toàn đồng thuận, thì tốt nhất là cần thêm thời gian để dự luật thực sự được nhìn nhận thấu đáo và loại bỏ các điểm trùng lặp, các điểm còn mờ và có nguy cơ tạo thêm gánh nặng tiêu cực cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số, cũng như cho xã hội. Đặc biệt là các hành vi bị cấm và quyền của cơ quan công quyền cần hết sức làm rõ về phạm vi.
VIA còn có kiến nghị, đề xuất gì với Quốc hội và Chính phủ – cơ quan trình và Bộ Công an – cơ quan soạn thảo dự án Luật An ninh mạng không, thưa ông?
Mong muốn lớn nhất của VIA là trong trường hợp dự luật An ninh mạng được thông qua, các điều khoản của nó phải có tính khả thi, không trái với Hiến pháp, không trùng lắp với các Luật khác, không vi phạm các thoả thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội. Đặc biệt, các hành vi cấm và quyền hạn của các cơ quan công quyền trong Luật phải được minh định hết sức rõ ràng.