Sau khi có được bản quyền World Cup 2018, VTV lại phải tiếp tục công đoạn bảo vệ bản quyền đầy gian nan. (Ảnh minh họa: Internet)
Người xem đang “lơ” chuyện bảo vệ bản quyền World Cup 2018?
Ngày 11/6, liên tục các bản tin liên quan tới việc bảo vệ bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đăng tải trên kênh thông tin vtv.vn. Theo đó, VTV cho hay, những người làm tại VTV đang lo sợ “đại tiệc” World Cup 2018 bị tàn sớm thay vì phải kéo dài tới 15/7, chỉ vì những vi phạm bản quyền từ các bên thứ ba.
“Đây không phải là cảnh báo bâng quơ bởi kịch bản này là hoàn toàn có thật. Nó sẽ xảy ra không phải do những người phát sóng mà có thể là do một ai đó hồn nhiên dùng những chiếc smartphone để livestream trận đấu lên Facebook. Bởi khi đó, FIFA sẽ tuýt còi vì lỗi vi phạm bản quyền. Một chiếc “thẻ đỏ” cho VTV nói riêng và toàn bộ khán giả Việt Nam nói chung là điều tệ nhất có thể xảy ra”, trích một đoạn cảnh báo trong bản tin “Bản quyền World Cup 2018 – Có đã khó, giữ còn khó hơn!” do Trung tâm Tin tức 24H thực hiện.
Nhiều bản tin kêu gọi bảo vệ bản quyền World Cup 2018 đã được VTV News đăng tải trong ngày 11/6.
Theo đánh giá của VTV, nhiều người hiện không để ý mấy đến chuyện này bởi khi thử dùng ứng dụng thống kê trên Google để tìm hiểu xem cụm từ “VTV bản quyền World Cup” được quan tâm như thế nào, thì trong vòng 7 ngày qua, kết quả cho thấy như biểu đồ bên dưới:
Kết quả khảo sát trên Google của cụm từ “VTV bản quyền World Cup”. (Ảnh: VTV)
Từ biểu đồ trên có thể thấy, từ ngày 6/6 – 8/6 là giai đoạn cao điểm với rất đông lượng tìm kiếm về bản quyền World Cup của VTV, đã có lúc đạt mức cao nhất trên thang 100. Cũng dễ hiểu bởi đó là lúc chuyện có hay không bản quyền mùa World Cup 2018 đang là tâm điểm của mọi báo chí và tranh luận trên mạng.
Nhưng chỉ đến ngày 9/6 trở đi, thời điểm VTV chính thức công bố đã đạt được thỏa thuận về bản quyền với FIFA, từ khóa “bản quyền World Cup” lập tức không còn được quan tâm nữa. Đây chính là điều mà VTV lo ngại, bởi dù có mải thưởng thức bóng đá thì người xem cũng không được quên trong từ “bản quyền” không chỉ bao hàm nghĩa của từ “sở hữu” mà còn có từ “bảo vệ” nữa.
Đừng livestream các trận đấu của World Cup 2018 lên mạng
Trước đó, vào năm 2017, VTVCab đã mua được bản quyền Champions League 2017 nhưng sau đó bị xâm phạm bản quyền. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc VTVCab bị tước quyền phát sóng.
Việc sử dụng các công cụ, dịch vụ công nghệ thông tin để livestream các trận đấu có bản quyền lên mạng xã hội là hành vi vi phạm bản quyền. (Ảnh minh họa)
Đó là câu chuyện vào những vòng đấu cuối của Champions League 2017. Ai mê xem bóng đá chắc chắn còn nhớ, vào đêm trước khi trận chung kết giữa hai câu lạc bộ Real Madrid và Juventus diễn ra, điều người ta quan tâm nhất không phải chuyện thắng thua của hai đội bóng này mà là làm thế nào để xem được trận đấu khi VTVCab đã bị tước quyền phát sóng vì lỗi vi phạm bản quyền của các đơn vị khác. Khi đó, những bài viết như “Xem trực tiếp chung kết C1 ở đâu” hay “Người Việt nháo nhào tìm cách xem lậu” được truyền tay nhau nhiều nhất.
Theo VTV, về nguyên tắc, khi bán bản quyền cho bất kỳ đơn vị nào, đơn vị đó ngoài việc kinh doanh (phải trả tiền để mua bản quyền phát sóng), họ còn phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền. Với kỳ World Cup 2018 này cũng vậy, chỉ cần những hình ảnh về World Cup 2018 lọt ra nước ngoài thông qua mạng Internet, rất có thể ngày hôm sau, người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam sẽ chẳng còn gì để xem.
Do đó, VTV có lời kêu gọi: “Nếu tuần tới, khi đang thưởng thức trận bóng, khán giả nào có thấy bạn bè hay người thân định ghi hình bằng điện thoại hay livestream đăng lên Facebook, YouTube hay một trang web nào đó, xin hãy giữ tay người đó lại để tránh vi phạm bản quyền”.
Theo Ngọc Phạm (tổng hợp) (Dân Việt)