South China Morning Post có bài liệt kê chi tiết những gì Bắc Kinh đã làm để theo đuổi giấc mơ công nghệ.
Chính sách công nghệ “Made in China 2025” của Trung Quốc chủ yếu được người ngoài mô tả là kế hoạch thay thế nhập khẩu. Nhận định này rất đúng. Đơn cử trong ngành điện tử, Bắc Kinh muốn các hãng sản xuất nước nhà ngừng phụ thuộc vào chất bán dẫn nhập từ nước ngoài, bằng cách phát triển các nhà sản xuất chip cao cấp của riêng nước này. Song họ thực tham vọng đi xa hơn thế.
Trung Quốc đặt mục tiêu cạnh tranh mạnh hơn với các đối thủ toàn cầu trong khoảng 20 lĩnh vực công nghệ, từ robot cho đến trí tuệ nhân tạo (AI) và vật liệu mới. Ví dụ trong mảng chất bán dẫn, Bắc Kinh muốn doanh nghiệp nhà nắm 1/3 thị trường toàn cầu trước năm 2030.
Một số biện pháp mà Bắc Kinh lên kế hoạch sử dụng để đạt được mục tiêu trên giống như các biện pháp họ từng dùng thời quy hoạch công nghiệp trong quá khứ. Một số biện pháp khác thì mới hơn, thể hiện sức mạnh và sự tự tin kinh tế của Đại lục.
Hai phi hành gia Trung Quốc Jing Haipeng (Cảnh Hải Bằng) (trái) và Chen Dong (Trần Đông) trước cờ Trung Quốc trước khi phóng tàu vũ trụ có người lái Shenzhou-11 (Thần Châu 11) hôm 17.10.2017 Ảnh: Reuters |
Một biện pháp từng được dùng là trợ cấp nhà nước hào phóng cho các hãng được ưu ái. Trước đây, chính quyền địa phương thường tăng ưu đãi thuế, cung cấp tín dụng giá rẻ, đất miễn phí và giảm chi phí năng lượng cho doanh nghiệp. Song kết quả của biện pháp trên thường là chuyện phân bổ vốn sai, dư thừa công suất, khiến các đối tác thương mại cáo buộc và chống Trung Quốc bán phá giá.
Vì thế lần này, Bắc Kinh thực hiện trợ cấp nhà nước bằng vỏ bọc đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước chỉ đạo. Tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc dành 328 tỉ USD cho các quỹ như trên. 120 tỉ USD trong số này được phân bổ cho các khoản đầu tư trong ngành chất bán dẫn.
Một kỹ xảo khác được thử nghiệm và tin tưởng là việc buộc chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp ngoại muốn bán sản phẩm, dịch vụ tại thị trường Trung Quốc phải cấp phép công nghệ độc quyền của họ cho đối tác địa phương, các hãng sau đó nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh của các hãng ngoại.
Đây là điều xảy ra với nhiều công ty đường sắt cao tốc đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Để Trung Quốc mở cửa, họ phải giao công nghệ của riêng mình cho các hãng Đại lục để rồi chứng kiến mình bị “đóng băng” ở thị trường Trung Quốc, không cạnh tranh nổi về chi phí trong các dự án quốc tế.
Các kỹ sư máy bay làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển Comac Thượng Hải Ảnh: Bloomberg |
Đóng vai trò lớn hơn trong việc định chuẩn công nghệ được đồng thuận trên thế giới là một kỹ xảo khác. Đơn cử trong ngành viễn thông, nhiều hãng trong đó có Huawei và ZTE hăng hái định vị bản thân vào các ủy ban quốc tế thiết lập tiêu chuẩn thế giới cho 5G, công nghệ vốn sẽ đặc biệt mạnh mẽ trong ứng dụng công nghiệp.
Bằng cách đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập tiêu chuẩn quốc tế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn doanh nghiệp nhà dẫn đầu thị trường toàn cầu. Làm thế này, họ mong tránh được những gì Nhật Bản trải qua hồi thập niên 1990, 2000. Khi đó, các hãng Nhật Bản thiết lập tiêu chuẩn di động riêng và tân tiến, song cuối cùng bị bỏ lại phía sau vì công nghệ tại các thị trường lớn khác trên thế giới đi theo hướng khác.
Có lẽ là trên hết, Bắc Kinh có kế hoạch dùng quyền lực pháp lý để đảm bảo doanh nghiệp cây nhà lá vườn được hưởng lợi thế mà doanh nghiệp ngoại không thể vượt qua. Chuyện an ninh quốc gia, chủ quyền không gian mạng và bảo vệ dữ liệu ngày càng được áp dụng triệt để, để đảm bảo rằng công ty Trung quốc có thể cạnh tranh tốt trên thị trường nhà.
Mục tiêu của biện pháp này là thúc đẩy thị phần của doanh nghiệp Đại lục trên thị trường nhà, vốn đang nhanh chóng trở thành thị trường lớn nhất thế giới ở nhiều lĩnh vực. Bằng cách này, giới chức Trung Quốc kỳ vọng giới doanh nghiệp nhà được hưởng sự ủng hộ đại chúng lớn và quan trọng khi bước ra cạnh tranh trên trường quốc tế.
Một em nhỏ và robot hình người “Nao” do Aldebaran Robotics sản xuất tại Hội nghị Robot Thế giới diễn ra ở Bắc Kinh Ảnh: Reuters |
Và để hậu thuẫn thêm cho doanh nghiệp nhà trên thị trường thế giới, Bắc Kinh tung phát kiến “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Ngắn gọn, phát kiến này đặt mục tiêu yêu cầu các nước nhận đầu tư cơ sở hạ tầng Trung Quốc dưới phát kiến “Vành đai, Con đường” phải ứng dụng tiêu chuẩn công nghệ Trung Quốc, dùng công ty Trung Quốc khi nâng cấp viễn thông, cài đặt dữ liệu lớn, điện toán đám mây hoặc các cơ sở thương mại điện tử.
Hẳn nhiên Bắc Kinh không chỉ tìm cách xuất khẩu công nghệ Trung Quốc. Họ cũng muốn thu thập công nghệ nước ngoài. Khi không thể ép buộc chuyển giao, họ chuẩn bị khá kỹ để mua đứt. Vài năm qua, các quỹ do Trung Quốc hậu thuẫn thuộc hàng khách mua lớn nhất ở Thung lũng Silicon. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các quỹ Trung Quốc chiếm 16% tổng số giao dịch tài trợ vốn công nghệ Mỹ trong năm 2015, thể hiện sự nhiệt tình đặc biệt với các hãng sở hữu công nghệ có tiềm năng ứng dụng trong quân sự.
Nhiều biện pháp, kỹ xảo nói trên có thể được xem xét lại, song các thực thể Trung Quốc không ngại sử dụng nhiều kỹ xảo ngầm trên đường tìm vị thế thống trị công nghệ thế giới. Mỹ từng điều tra việc chuyển giao công nghệ và hành vi sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Kết quả điều tra được công bố hồi tháng 3 khiến nước này quyết định khởi động cuộc chiến thương mại với quốc gia Đông Á.
Dù vậy, liệu thuế quan thương mại và biện pháp thắt chặt đầu tư có cản được động lực thâu tóm công nghệ hoặc thống trị công nghệ của Trung Quốc hay không là điều mà các nước phương Tây chưa chắc chắn.