Vi phạm lệnh cấm vận, ZTE bị Mỹ cấm mua chip Qualcomm trong 7 năm
Cẩn thận nhé, Qualcomm: Trung Quốc sẽ rót 47 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn
Vì sao lệnh cấm của Mỹ lên ZTE có thể giúp Trung Quốc đạt tham vọng trở thành “cường quốc vi mạch”?
Logo ZTE trên một tòa nhà tại Thượng Hải, Trung Quốc. Công ty đã “gần như phải dừng mọi hoạt động” sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm sử dụng các linh kiện được sản xuất tại Mỹ.
Không phải Apple. Không phải Huawei. Nạn nhân đầu tiên của cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một trong những nhà sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới mà bạn chưa từng nghe tên.
Vào ngày 9/5 vừa qua, công ty ZTE của Trung Quốc đã tuyên bố “dừng gần như mọi hoạt động lớn” sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm không cho phép họ sử dụng các linh kiện được sản xuất tại Mỹ. Với việc nhà máy sản xuất tại Thâm Quyến ngừng hoạt động vô thời hạn, công nhân của nhà máy được kêu gọi tham gia các khóa huấn luyện một lần/ngày. Phần còn lại trong giờ làm việc, họ loanh quanh trong các ký túc xá gần đó.
Hoạt động giao dịch cổ phiếu của công ty đã bị tạm ngưng trong nhiều tuần liền. Các nhân viên của ZTE đều được hướng dẫn phải làm thế nào để trấn an những khách hàng đang đứng ngồi không yên, đồng thời tuyệt đối không được nhắc đến công nghệ Mỹ – thứ mà công ty đã bị cấm sử dụng trong vòng 7 năm tới.
Từng là một trong những nhà cung cấp công nghệ quốc tế thành công nhất của Trung Quốc với doanh thu thường niên lên tới 17 tỷ USD, ZTE giờ đây đang phải đối mặt với án tử. Bộ Thương mại Mỹ đã cấm công ty sử dụng bất kỳ linh kiện hay công nghệ nào thuộc quyền sở hữu của Mỹ cho đến năm 2025, với lý do ZTE đã không thực hiện đúng cam kết trừng phạt những nhân viên vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran và Bắc Triều Tiên.
Các trạm không dây của ZTE sử dụng microchip cung cấp từ Mỹ, mạng cáp quang của họ cũng sử dụng các linh kiện quang học từ Mỹ. Điện thoại thông minh của ZTE sử dụng hệ điều hành Android từ Google. Và khi chính quyền ông Trump đe dọa thực hiện một cuộc chiến thương mại nhằm ngăn cản các kế hoạch thúc đẩy các ngành công nghiệp của Trung Quốc, ZTE trở thành ví dụ đầu tiên. Với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đây là lý do tại sao họ luôn muốn các doanh nghiệp trong nước tự chủ hơn nữa về công nghệ.
Khủng hoảng hiện tại của ZTE, nếu nó khiến công ty sụp đổ, có thể cho chúng ta thấy rằng cuộc chiến tranh lạnh công nghệ có thể bùng phát trên toàn thế giới như thế nào.
ZTE có khoảng 75.000 nhân viên, hoạt động kinh doanh tại hơn 160 quốc gia. Họ là nhà bán lẻ smartphone lớn thứ 4 tại Mỹ. Các thiết bị viễn thông của họ được xem là xương sống tại nhiều quốc gia đang phát triển.
Nhà mạng MTN, phục vụ khoảng 220 triệu người dùng tại 22 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông, chia sẻ hồi tuần trước rằng họ đang xem xét các kế hoạch dự phòng. Lãnh đạo của nhà mạng Telenor nói rằng họ đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Từ nhiều năm nay, Mỹ coi ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Các nhà mạng lớn của Mỹ đều hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị viễn thông của công ty. Nhà Trắng thì chuẩn bị ban hành luật cấm các cơ quan chính phủ mua và sử dụng thiết bị đến từ Trung Quốc.
Phản hồi trước những lệnh cấm vận này, ZTE cho biết hãng đang cố hết sức để cải thiện tình hình. Công ty cũng đã đề nghị chính phủ Mỹ tạm hoãn việc thi hành lệnh cấm, đồng thời gửi những thông tin liên quan cho Bộ Thương mại Mỹ để bảo vệ lập luận của mình.
Một công nhân làm việc với bảng mạch tại nhà máy của ZTE ở Thâm Quyến, Trung Quốc
Zhongxing Telecommunications Equipment (ZTE) được thành lập từ năm 1985 như một liên doanh giữa một nhà máy hàng không vũ trụ thuộc quyền quản lý của Nhà nước và 2 doanh nghiệp khác. Trong vòng vài năm, họ sản xuất linh kiện cho các nhà khai thác mạng tại nông thôn Trung Quốc, trước khi mở rộng ra các thành phố và sau đó là nước ngoài.
Cổ đông có quyền kiểm soát công ty này là Shongxingxin Telecommunications Equipment, một phần được sở hữu bởi 2 công ty Nhà nước Trung Quốc. Một vài thành viên lãnh đạo của ZTE cũng đóng vai trò lãnh đạo tại Shongxingxin. Tuy nhiên, ZTE khẳng định Shongxingxin không can thiệp vào quyết định kinh doanh của họ.
ZTE tung ra chiếc điện thoại đầu tiên cho thị trường Mỹ vào năm 2011. Chỉ trong vòng 2 năm, hãng đã lọt vào top 5 nhà sản xuất lớn nhất tại đây, với đối tượng khách hàng chủ yếu là những người muốn mua điện thoại nhưng không muốn ký kết hợp đồng dài hạn với nhà mạng. ZTE thậm chí còn không thành công được như vậy tại thị trường quê nhà Trung Quốc.
“Những gì họ làm được tại Mỹ là vô cùng ấn tượng”, Avi Greengart, chuyên gia phân tích công nghệ người dùng của GlobalData nói. “Rất nhiều công ty châu Á nói rằng họ sẽ vào Mỹ nhưng không thực hiện được – như Xiaomi, Huawei. Hoặc họ đầu tư tại Mỹ nhưng được phép hoạt động”.
Bí quyết thành công của ZTE, theo Greengart là sự linh hoạt. Các nhà quản lý người Mỹ của công ty này đã đưa ra những điều chỉnh đáng kể cho sản phẩm của họ tại Mỹ. “Đó là cách nhiều đối thủ của họ không làm được”.
Chẳng hạn, công ty này sớm nhận ra người Mỹ thích những chiếc điện thoại màn hình lớn. Họ cung cấp những chiếc di động giá rẻ, màn hình lớn, độ phân giải cao, cảm biến vân tay trong thời điểm những tính năng này vẫn được xem là cao cấp.
Để phát triển thương hiệu, ZTE thậm chí còn tài trợ một vài đội bóng rổ nhà nghề Mỹ. Tại châu Phi, ZTE và Huawei đã giúp kết nối nhiều nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh của lục địa này lại với nhau, cùng với những sự giúp đỡ đầy “hào phóng” của các ngân hàng Trung Quốc. ZTE đã triển khai hàng nghìn km cáp quang tại Ethiopia và mới đây đã ký hợp đồng với MTN tại Nam Phi để thử nghiệm mạng không dây thế hệ thứ 5, hay 5G.
“Những quan điểm ban đầu – rằng các công ty Trung Quốc luôn tỏ ra ‘bí hiểm’ và không muốn qua lại với các công ty địa phương – đã thay đổi trong suốt thập kỷ qua”, Dobek Pater, một chuyên gia viễn thông tại công ty nghiên cứu Africa Analysis cho biết.
Tuy nhiên, một kiểu “bí hiểm” khác đã khiến ZTE rơi vào tình cảnh này. Theo chính phủ Mỹ, ZTE đã sử dụng một hệ thống phức tạp để bán hàng hóa do Mỹ sản xuất tại Iran sau đó nói dối và xóa email khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu điều tra. Họ thậm chí lên kế hoạch tiếp tục chuyển hàng đến Iran trong khi cuộc điều tra đang diễn ra, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ.
Thế nhưng, “trong cái rủi cũng có cái may”, những lệnh cấm mà chính phủ Mỹ giáng xuống ZTE đã khiến Trung Quốc trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết để xóa bỏ sự phụ thuộc vào các công ty và công nghệ Mỹ.
Chris Lane, một chuyên gia viễn thông tại Hồng Kông tin rằng giờ đây Trung Quốc sẽ “buộc” phải trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bằng mọi giá, và dù có phải mất hàng thập kỷ để thực hiện. “Họ sẽ rót hàng tỷ USD để ngăn không cho điều này tái diễn thêm một lần nào nữa. Về mặt chiến lược lâu dài, điều này chắc chắn sẽ không có lợi cho Mỹ.
Vào tuần trước, ban lãnh đạo của ZTE đã gửi email cho các nhân viên để cập nhật tình hình tiến độ hòa giải giữa công ty và Washington. “Ngay cả con đường dài nhất cũng có đích đến”, email kết luận. “Ngay cả đêm dài nhất cũng kết thúc bằng ngày mới. Chúng ta hãy cùng vững vàng, tự tin và tràn đầy hy vọng trào đón bình minh sắp tới!”
Trong một diễn biến liên quan, các nguồn tin Trung Quốc cho biết quốc gia này đã sẵn sàng có những biện pháp “trả đũa” như tăng thuế các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ nếu như tình hình đàm phán giữa hai nước không đi theo chiều hướng tốt đẹp. Rất có thể là Apple – niềm tự hào của ngành công nghiệp công nghệ Mỹ – công ty đang phải tìm mọi cách để giữ thị phần tại Trung Quốc trước sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nội địa, sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc chiến giữa hai cường quốc.
Văn Hoàn
Theo New York Times