1. Facebook
Ứng dụng Facebook trên smartphone sẽ liên tục theo dõi vị trí của người dùng theo thời gian thực. Chỉ cần truy cập vào https://www.facebook.com/location_history/view/, bạn có thể thấy danh sách tất cả các địa điểm bạn đã đến (kèm theo thời gian) được hiển thị đầy đủ trên bản đồ. Điều này cho thấy nhất cử nhất động của người dùng hiện nay đều có thể bị theo dõi đến từng chi tiết.
Facebook theo dõi vị trí người dùng liên tục. Ảnh: MINH HOÀNG
Nếu cảm thấy lo ngại về các vấn đề riêng tư, bạn có thể tắt hoàn toàn tính năng chia sẻ vị trí trên smartphone bằng cách mở Facebook, vào Settings & Privacy (cài đặt & riêng tư) > Account settings (cài đặt tài khoản) > Location (vị trí) và tắt tùy chọn Location history (lịch sử vị trí). Thực hiện tương tự trên máy tính.
Cách vô hiệu hóa tính năng lịch sử vị trí trên smartphone. Ảnh: MINH HOÀNG
Ngoài ra, người dùng cũng có thể gỡ bỏ ứng dụng Facebook và truy cập bằng trình duyệt điện thoại. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng Facebook là công ty duy nhất thu thập dữ liệu, Google Maps cũng đáng sợ không kém.
2. Google
Vào tháng 10-2015, trang Guardian đã chỉ ra rằng tất cả câu lệnh tìm kiếm bằng giọng nói của người dùng trên Android đều được Google thu thập và ghi lại. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trên iPhone nếu bạn đang sử dụng các dịch vụ của Google. Tất nhiên, đây không phải là thông tin duy nhất mà Google thu thập từ bạn.
Bên cạnh việc thu thập thông tin, Google cũng đồng thời ra mắt công cụ My Activity (Hoạt động của tôi), cho phép người dùng theo dõi và xem lại tất cả hoạt động trực tuyến có liên quan đến tài khoản Google cá nhân.
Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào địa chỉ https://myactivity.google.com/myactivity và đăng nhập bằng tài khoản Google tương ứng. Tại đây sẽ bao gồm các thông tin mà bạn đã tìm kiếm, các trang vừa truy cập hay những hoạt động đã thực hiện trên trang… Để xem đầy đủ thông tin hơn, người dùng chỉ cần chạm vào biểu tượng ba chấm và chọn Chi tiết hoặc Xóa.
Công cụ này chỉ cho phép chúng ta xem tổng quan về mọi thứ, nếu muốn ngăn chặn Google thu thập thông tin, người dùng cần phải đào sâu hơn vào các tùy chọn bên trong.
Mặc định, Google sẽ lưu lại tất cả địa điểm mà bạn đã từng đến và đi cùng các mốc thời gian tương ứng. Nếu muốn xem lại, bạn chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://www.google.com/maps/timeline, lựa chọn ngày, tháng, năm cần xem và chờ một lát để dữ liệu được tải hoàn tất.
Theo thử nghiệm của người viết, Google gần như biết tất cả địa điểm mà bạn đã đến và đi trong ngày, thời gian bắt đầu và kết thúc, chiều dài đoạn đường và rất nhiều thông tin nhạy cảm khác. Nếu chẳng may bị hack tài khoản và những thông tin này rơi vào tay người khác thì sẽ rất phiền phức. Để ngăn không cho Google thu thập dữ liệu cá nhân, bạn hãy truy cập vào địa chỉ https://myaccount.google.com/activitycontrols.
Tại đây gồm có các tùy chọn Hoạt động web và ứng dụng, Lịch sử vị trí (chính là những địa điểm mà bạn đã đến), Thông tin thiết bị, Hoạt động bằng giọng nói và âm thanh, Lịch sử tìm kiếm và các video đã xem trên YouTube… Nếu muốn bảo mật thông tin cá nhân, bạn có thể tắt bớt các tùy chọn không cần thiết bằng cách kích vào nút gạt màu xanh ở ngay bên cạnh.
Đa số các ông lớn về công nghệ đều tuyên bố rằng sẽ không thu thập thông tin cá nhân của người dùng, tuy nhiên kết quả thì hoàn toàn ngược lại. Đó là lý do tại sao bạn vừa tìm kiếm một sản phẩm, thiết bị trên Google thì ngay lập tức lúc sau sẽ xuất hiện quảng cáo tương ứng.
Xét về khía cạnh nào đó, điều này cũng giúp người dùng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, tuy nhiên nếu muốn bảo mật dữ liệu, bạn nên vô hiệu các cài đặt liên quan đến quảng cáo tại http://bit.ly/2Jlewhc
Theo Minh Hoàng (PLO)