Bạn rảo bước trên hành lang và có mặt trước một cánh cửa, nhưng ngay khi chạm vào tay nắm cửa, bạn nhận ra bàn tay mình đang nắm chặt vào…không khí. Hay rùng rợn hơn là khi bạn lái xe hướng đến một cây cầu, chỉ để phát hiện ra khi đã đi được nửa cầu rằng không tồn tại cây cầu nào – trong thực tế bạn đang cùng chiếc ô tô lao thẳng đầu xuống một vực sâu thẳm chưa thấy đáy. Trong cả hai trường hợp, nạn nhân đã bị hack thiết bị thực tế tăng cường, xảy ra khi kẻ tấn công chiếm được quyền kiểm soát kính AR (augmented reality) của người dùng và sử dụng quyền điều khiển để chiếu lên những hình ảnh, nội dung sai sự thật và lừa người đeo mắc phải những sai lầm chết người.
Tất nhiên, những sự cố nói trên chưa thực sự xảy ra và chỉ là ví dụ minh họa cho những gì AR và VR có thể làm được, hơn nữa có thể được coi là khoa học viễn tưởng tại thời điểm hiện tại, nhưng kỳ thực lại không quá khó để tưởng tượng khi xét đến tốc độ chuyển mình chóng mặt của thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Theo công ty tư vấn về công nghệ di động và AR/VR Digi-Capital, thị trường AR/VR sẽ đạt mức 108 triệu USD vào năm 2021, tăng lên từ con số chỉ vỏn vẹn 3,9 triệu USD hồi năm 2016. Đáng quan tâm hơn nữa, số tiền đó sẽ không hoàn toàn đến từ games và các dịch vụ giải trí. Hàng loạt báo cáo cho thấy VR và AR đang ngày càng tìm cách lấn sân sang nhiều lĩnh vực và dịch vụ khác nhau, bao gồm cả thể thao, giáo dục, y tế và nhiều ngành nghề chuyên môn khác.
Dù sự “đổ bộ” ồ ạt của thứ công nghệ tiên tiến nhất thế giới đang giúp ích rất nhiều cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chúng cũng đưa chúng ta đến đối mặt với rất nhiều đe dọa về an ninh mới. Chúng ta chưa biết được chính xác tầm phủ sóng và sự đa dạng của những rủi ro này, và có lẽ cùng nhau tạm ngừng, bình tĩnh nhìn lại xem AR và VR đang mang lại những hiểm họa gì từ sự mở rộng của mình là điều cần thiết và vô cùng cấp bách.
Thêm một kiểu dữ liệu cá nhân mới là thêm một rủi ro về riêng tư mới
Trong quá khứ, khi mà phần lớn ứng dụng mới chỉ được chạy trên máy tính để bàn và laptop, khả năng thu thập dữ liệu của các công ty cung cấp dịch vụ online chỉ dừng lại ở thói quen lướt web và thói quen tương tác với giao diện người dùng. Nhưng kể từ khi Apple thay đổi cả thế giới với iPhone và thúc đẩy công nghệ di động phát triển đến vượt bậc như hiện giờ, sức mạnh theo dõi người dùng của các công ty cũng theo đó mà đạt tới một tầm cao mới: Google luôn biết vị trí chính xác cũng như thói quen di chuyển của bạn, hàng loạt ứng dụng tìm cách xin cấp quyền sử dụng camera để nhìn thế giới qua con mắt của bạn. Thiết bị đeo tay thu thập dữ liệu về sức khỏe người dùng, loa thông minh ép bạn phải cung cấp mẫu giọng nói cho máy chủ, còn các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật) thì mang tới khả năng cảm nhận thế giới theo một cách mà trước đây không thể nào làm được.
Đối với các thiết bị hỗ trợ sử dụng AR/VR như kính chụp đầu, chúng có thể thu thập thông tin qua mắt và cử chỉ người dùng cũng như qua cách người dùng phản ứng, tương tác với nội dung hình ảnh. Đó là chưa kể đến trường hợp kính VR được sử dụng kèm với các thiết bị tay cầm có khả năng theo dõi và ghi lại dữ liệu về chuyển động, cử chỉ, hành vi vật lý. Đây từ lâu đã là một miếng bánh béo bở với nhiều công ty công nghệ lớn. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả các công ty công nghệ lớn đều tỏ rõ sự quan tâm ưu ái tới cả hai công nghệ VR và AR. Chẳng vậy mà Facebook đã mạnh tay chi tới 2 tỷ USD mua lại startup kính VR Oculus hồi 2014 và để lộ nhiều kế hoạch mang trải nghiệm xã hội ảo tới người dùng Facebook. Những dữ liệu quý báu các công ty công nghệ có được từ việc người tiêu dùng tiếp nhận và chào đón VR/AR sẽ giúp họ hiểu rõ hơn (và kiếm được nhiều tiền hơn) từ khách hàng của mình.
Một trong những thách thức đối với các công ty cung cấp AR/VR là bảo mật dữ liệu họ thu thập được từ người dùng. Giống bất kỳ loại dữ liệu nào khác, các công ty phải tỏ ra minh bạch về cách họ lưu trữ và thu thập dữ liệu người dùng, cách họ chia sẻ chúng với bên thứ ba (nếu có) và cách họ bảo mật dữ liệu riêng tư của khách hàng trên máy chủ. Người dùng ngoài ra cũng cần phải có ý thức về những dịch vụ mình đăng ký và phải chắc chắn rằng dữ liệu của mình an toàn trong tay những nhà cung cấp dịch vụ mình chọn sử dụng.
Một cách mới để thao túng người dùng?
Dữ liệu cá nhân và thu thập dữ liệu cá nhân không phải điều xấu, Big data và AI – hai sản phẩm lớn của việc thu thập dữ liệu đã chứng tỏ tầm quan trọng cũng như tính thực tiễn của mình trong cuộc sống hằng ngày, trong y tế, giáo dục hay thậm chí là giúp chống lại cả nạn đói tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng nếu rơi vào bàn tay kẻ xấu, dữ liệu hoàn toàn có thể trở thành công cụ tội ác mạnh mẽ. Bằng chứng là ngay hiện tại các công ty như Google, Facebook hay Amazon đã phải đối mặt với nhiều quan ngại về riêng tư và bảo mật. Những công ty lớn trên đang tham gia một cuộc đua vô hình về thu thập dữ liệu người tiêu dùng, tạo ra những profile riêng cho từng khách hàng, và sau đó sử dụng những dữ liệu đó vào mục đích thương mại như hiển thị nội dung hấp dẫn khiến người dùng không thể rời mắt khỏi ứng dụng (Facebook) hay trưng ra những quảng cáo hấp dẫn nhất tại những vị trí thuận lợi nhất cho mắt bạn đọc được (Google và Amazon). Lượng dữ liệu đầy tiềm năng thu thập được kính AR/VR sẽ khiến họ như hổ mọc thêm cánh khi những công ty trên biết chính xác và chi tiết những tương tác của từng khách hàng với nội dung hiển thị trên kính.
Những ứng dụng AR/VR mang lại trải nghiệm chân thực, sống động, khiến người xem đắm chìm trong một thực tại tương tác được nhưng lại không có thật, và là cơ hội vàng để thuyết phục người dùng theo cách mê hoặc nhất – hay nói cách khác, thêm quyền kiểm soát cho các “anh lớn” công nghệ đồng thời bớt quyền tự chủ của người dùng.
AR và VR liệu đã đủ bảo mật?
Cơ chế vận hành của AR là hiển thị đè lên thế giới thật thông tin và chi tiết đồ họa. Đặt ra giả thiết hacker chiếm được quyền kiểm soát một thiết bị AR, kẻ xấu hoàn toàn có thể làm hại người dùng. Ví dụ, một bác sĩ sử dụng màn hình AR kiểm tra tín hiệu sức khỏe của nhiều bệnh nhân, để rồi nhìn thấy toàn thông tin và số liệu giả mạo dẫn đến hậu quả bỏ qua một bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch cần được cấp cứu.
Đối với VR thì khác, và có thể công nghệ này không đe dọa nhiều như AR, bởi người dùng VR sẽ bị giới hạn trong một môi trường khép kín và bản thân VR không có nhiều tương tác với thế giới thật. Dù sao thì thiết bị trải nghiệm VR như kính VR vẫn có thể trở nên nguy hiểm nếu bị hack. Chẳng hạn một kính VR bị hack có thể hiển thị nội dung ma quái gây chóng mặt buồn nôn cho người dùng.
Công nghệ phát triển đồng nghĩa cuộc sống con người được cải thiện, nhưng kèm theo đó là quá nhiều đánh đổi về bảo mật thông tin, sự an toàn cá nhân và giờ đây là cả những mối hiểm họa không ai có thể lường được hết từ AR và VR. Với việc các ông lớn công nghệ đổ dồn vào phát triển AR/VR, có thể nói AR và VR là công nghệ của tương lai và sẽ tiếp tục là xu thế trong thời gian gần tới. Bởi lẽ đó, bản thân chúng ta là người tiêu dùng cần trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản cũng như tinh thần cảnh giác với công nghệ non trẻ, đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít nguy hiểm này.
Công Minh (theo TNW)