tongquang

Ở thời điểm này tại Việt Nam, tôi có thể khẳng định rằng cả hai thiết bị này đều rất đột phá trong thiết kế, thoát ra vẻ ngoài nhàm chán của các thiết bị di động trong vài năm trở lại đây.
P20 Pro của Huawei cho tôi cảm giác thiện cảm ngay từ khi cầm máy, sự pha trộn màu sắc đầy độc đáo của hãng khác biệt hoàn toàn so với các đối thủ trong phân khúc này. Phải dành lời khen cho hãng đối với hiệu ứng chuyển màu gradient, rất độc đáo, sự chuyển biến màu sắc ở các góc nhìn khác nhau, cho cảm giác tươi mới, đa sắc thái.

Khi đưa vào những nguồn ánh sáng khác nhau, các cảnh vật được hiển thị trên tấm kính với sự chuyển biến màu sắc rất khác lạ. Lấy ví dụ một bức ảnh bình mình ở bãi biển, người dùng sẽ thấy một màu xanh bên dưới thể hiện rõ nét về màu của nước biển và một màu tím ở trên với ánh sáng bình minh khá đẹp, tựa như bức tranh.

Nhưng với Find X, thật sự mà nói, đây là một sự lột xác trong thiết kế, khác biệt hoàn toàn so với một nửa còn lại của thế giới. Tất cả những chi tiết rườm rà đã bị “loại bỏ”, nhét gọn gàng vào một mô-đun có thể trượt lên khi cần và đóng lại khi không sử dụng. Cơ chế trượt này giúp cho mặt trước và sau trông rất liền mạch tựa như 2 lớp kính ốp vào nhau. Tôi cho rằng, đó là thiết kế đột phá, tạo luồng gió mới cho thiết kế của smartphone trong những năm tới.

Cách phối màu của Oppo cũng mang đến sự tươi mới, hãng này sử dụng trình xử lý màu sắc 3D đa diện, sự pha trộn giữa 2 màu sắc được gọi là gradient, tương tự như đối thủ Huawei. Tuy nhiên, cách phối màu có chút khác biệt, nó chuyển biến màu sắc từ cạnh trái sang phải, thay vì từ dưới lên trên như P20 Pro.
Nhìn chung, màu sắc của cả 2 đều rất đẹp, chưa có bất cứ thiết bị nào của đối thủ có thể đọ lại được màu sắc mà Oppo lẫn Huawei trang bị tại Việt Nam.

Như đã đề cập trước đó, khi tôi cầm Find X, cảm giác rất thời thượng, cuốn hút ngay người đối diện. Nhưng phải nói, cơ chế trượt này trang bị chỉ đẹp chứ dùng thực tế chưa đã.

Mỗi lần mở máy thì cơ chế trượt đẩy lên, tiếng bộ phận cơ khí trượt của cụm camera này đẩy lên kêu “rẹt rẹt”, đợi quét khuôn mặt rồi trượt xuống rồi mới sử dụng được. Nếu không muốn nghe tiếng của hệ thống này mỗi lần mở máy buộc phải tắt tính năng mở khóa bằng khuôn mặt. Như vậy, chỉ có 1 cách duy nhất là mở máy bằng khóa màn hình, hoặc vẽ màn hình. Cảm giác của tôi cứ như đang đi thụt lùi lại những thế hệ smartphone Android lần đầu lộ diện vài năm trước.

Trong khi ở P20 Pro, phải nói rằng nó cho trải nghiệm thực tế hơn, đa dạng trong việc lựa chọn hình thức mở khóa, quét khuôn mặt, vân tay, hình vẽ, mã số. Bất kỳ ở môi trường nào cũng sử dụng được, nếu tay bị ướt, thì dùng ngay quét khuôn mặt một cách dễ dàng.
Một điểm mà tôi đánh giá cao P20 Pro đó là khả năng chụp ảnh nhanh mà Find X không có được khi so sánh 2 đối thủ này. Chỉ với thao tác bấm nút giảm âm lượng ở màn hình tắt 2 lần, máy chụp ngay các bức ảnh, trong khi Find X cần phải trượt camera rồi mới bấm chụp. Với tính chất công việc của tôi, thì khoảnh khắc rất quan trọng và tôi đề cao tính thực tế của mẫu P20 Pro hơn.

Đồng thời, tôi thích cách mà Huawei bố cục các thông tin và vị trí camera tương tự như một máy ảnh kỹ thuật số. Nó tạo cảm giác chụp ảnh thú vị hơn mỗi khi cầm máy, sử dụng không khác gì việc chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số.

Tuy vậy, điểm tôi không thích trên P20 Pro đó là vị trí đặt cảm biến vân tay, nó khá “vô duyên”, không tạo sự cân đối ở mặt trước sản phẩm và khiến chiếc “cằm” này dày đi đáng kể. Tôi có lời khen dành cho Oppo Find X, lối thiết kế với cơ chế trượt đã giúp hãng này giải quyết cho bài toán mở rộng giới hạn khả năng hiển thị của màn hình. Thực sự tính đến thời điểm này, Find X là smartphone có tỷ lệ hiển thị mặt trước cao nhất thế giới.
Nhìn chung, hai sản phẩm này đều rất xuất sắc, đẹp và phá cách nhưng với tôi, luôn đề cao sự thực tế thì tôi chọn P20 Pro hơn.
Gia Hưng