Được biết, có khoảng 40 tham luận đã gửi về Ban Tổ chức tọa đàm. Các tham luận góp phần làm nổi bật truyền thống năng động, sáng tạo của TP.HCM cũng như việc phát huy vai trò của các cơ quan báo chí – xuất bản nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn hệ thống chính trị Thành phố để thực hiện tốt việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước.
Báo chí phải góp phần kích thích tinh thần sáng tạo, phát huy tốt nguồn lực trong nhân dân để phát triển Thành phố
Việc tuyên truyền Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị Quyết 54) phải mang tính dài hơi; đồng thời bám sát những vấn đề thực tiễn đặt ra để xây dựng kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể. Báo chí cần nhất là phản ánh được suy nghĩ, công việc của chính những người trong cuộc. Đó là những ý kiến được đưa ra tại tọa đàm “Báo chí – Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng Thành phố, vì cả nước” trong việc thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin – Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 19/6.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng để tạo được sự đồng bộ, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54 phải phát huy thật tốt vai trò quan trọng của hệ thống báo chí Thành phố và cả nước. Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền về Nghị quyết này.
Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng Nguyễn Tấn Phong cho biết, Báo Sài Gòn Giải phóng xác định việc tuyên truyền Nghị quyết 54 một mặt phải mang tính dài hơi, mặt khác phải bám sát những vấn đề thực tiễn đặt ra để xây dựng kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể. Lưu ý đến những cách làm hay, hiệu quả và ngược lại, cũng như thông tin những cơ quan, đơn vị thiếu tập trung, chưa thực hiện tốt theo yêu cầu.
Từ những kinh nghiệm của đơn vị mình, Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM Dương Thanh Tùng chia sẻ, khi Nghị quyết được thông qua, Đài Truyền hình TP.HCM đã vận dụng linh hoạt mọi hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ và góp phần cùng Thành phố sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Thông tin cụ thể về các dự án, công việc triển khai từ phía các cấp chính quyền Thành phố sẽ giúp người dân hiểu rõ và tạo được sự đồng thuận cao.
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung cho rằng, tùy theo đặc thù của từng cơ quan báo chí sẽ có những nội dung chuyên trang khác nhau về cơ chế đặc thù xoay quanh các vấn đề mà Quốc hội đã cho phép triển khai như: tăng thu nhập cho cán bộ viên chức; quản lý đầu tư; quản lý tài chính ngân sách; cơ chế ủy quyền… Cách thể hiện những nội dung về Nghị quyết 54 cần có sự đa dạng theo nhiều hình thức ghi nhận phản ánh, phỏng vấn, bình luận… Cần nhất là phản ánh được suy nghĩ, công việc của chính những người trong cuộc: người dân, cán bộ công chức – những người trực tiếp thụ hưởng chính sách đột phá từ cơ chế, chính sách đặc thù để các bài viết sẽ có tính thuyết phục cao hơn.
Đại diện cho các cơ quan báo chí Trung ương tại TP.HCM, Trưởng Cơ quan Thường trực Báo Nhân dân tại TP.HCM Nguyễn Đức Cung cho biết, việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về TP.HCM trên các ấn phẩm Báo Nhân dân đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố, mà điểm nhấn là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54. Riêng chuyên trang TP.HCM của Báo Nhân dân đã cố gắng thông tin kịp thời trên các bình diện.
Báo chí phải là “bà đỡ” cho các phong trào sáng tạo của nhân dân
Một số ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, thực tế việc thông tin về quá trình triển khai Nghị quyết 54 của các cơ quan báo chí TP.HCM vẫn đang “bị động”. Quá trình tác nghiệp của báo chí trên thực tế cho thấy, việc tiếp cận thông tin, triển khai các đề tài phục vụ cho việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế, phí… gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều đại biểu kiến nghị nên xem xét xúc tiến sớm thành lập Trung tâm báo chí, thành lập bộ phận chuyên trách có đủ thẩm quyền để kịp thời cung cấp, giải đáp, xử lý thông tin phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh, đó Thành phố nên có cơ chế “đặc thù” để tạo điều kiện cho báo chí tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào việc tuyên truyền thực hiện nghị quyết. Thành phố cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan phụ trách từng đề án của Nghị quyết với các cơ quan báo chí.
Để nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí – xuất bản trong tuyên truyền Nghị quyết 54, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Phương Thảo cho rằng, các cơ quan, báo chí, xuất bản Thành phố và trung ương trên địa bàn cần mở những chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, đối thoại, những xuất bản phẩm góp phần khơi gợi những ý tưởng, sáng tạo, những ý kiến tâm huyết, góp sức đưa thành phố đi lên. Người dân luôn mong báo chí Thành phố phát triển xứng tầm, đưa nhiều thông tin nhanh, có chiều sâu, giúp lý giải những vấn đề của thời cuộc, của cuộc sống. Báo chí cần tập trung thông tin những mô hình tiên tiến, những điển hình tốt nhằm góp phần kích thích tinh thần sáng tạo, góp phần thúc đẩy Thành phố phát triển, từ đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội.
PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TP.HCM cho rằng, Thành phố có kinh nghiệm tốt trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, đó là huy động mọi nguồn lực để thực hiện một cách rốt ráo các chủ trương của Đảng. Muốn quyết liệt huy động mọi nguồn lực thực hiện các chính sách phải huy động báo chí truyền thông, coi đó là “trận địa” ban đầu. Báo chí Thành phố phải phát huy thế mạnh của mình, dấn thân đồng hành cùng hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết 54; là “bà đỡ” cho các phong trào sáng tạo của nhân dân. Báo chí vừa phải định hướng tư tưởng, nhận thức, hành động cho công chúng hướng tới mục tiêu của Đảng, vừa phản ánh sự giám sát, phản biện của nhân dân.
Một số ý kiến cho rằng, đột phá trong thực hiện Nghị quyết 54 phải gắn với sáng tạo. Từ các chuyến đi tham gia đoàn đại biểu Thành phố học tập kinh nghiệm của các nước về phát huy sự sáng tạo, Tổng Biên tập Trang tin Điện tử Đảng bộ TP.HCM Tô Đình Tuân cho rằng, để phát huy sự sáng tạo phải thay đổi suy nghĩ của mọi người về khởi nghiệp sáng tạo; tinh thần không sợ thất bại phải được đề cao; Chính phủ luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó là nâng cao vai trò báo chí truyền thông trong quảng bá về khởi nghiệp sáng tạo; huy động các nguồn lực bên ngoài để thực hiện hiệu quả khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với xây dựng các trung tâm, Thành phố khoa học là nơi ươm mầm các dự án khởi nghiệp sáng tạo, cần tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối được Chính phủ – doanh nghiệp – các trường đại học – quỹ đầu tư mạo hiểm. Một trong những nhân tố quan trọng là phải khơi dậy sức sáng tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Thành phố phải hành động nhanh, hiệu quả, quyết liệt hơn
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, việc tuyên truyền một cách rộng rãi, toàn diện những nội dung và các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 54 là một việc quan trọng. Song song đó, việc phát hiện khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của mỗi người dân chính là vấn đề mấu chốt để việc thực hiện Nghị quyết 54 được thành công. Trong đó, sự góp sức của các cơ quan báo chí và xuất bản phải được tính đến và là một trong những kênh chủ lực. Khi các cơ quan báo chí có những giải pháp tuyên truyền rộng rãi, sáng tạo, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân, thì mới phát huy một cách tối đa nguồn lực của toàn thể nhân dân Thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54 cũng như đối với những địa phương khác trong cả nước.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn những đóng góp của các cơ quan báo chí cho sự phát triển của Thành phố. Đồng chí nhấn mạnh, báo chí làm cho đồng bào Thành phố hiểu tốt hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước nói chung, TP.HCM nói riêng, góp phần huy động sức sáng tạo của đảng viên, người dân, trách nhiệm Thành phố đối với cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, chưa bao giờ thế và lực của Thành phố mạnh như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ thách thức nhiều như bây giờ. Phải phát huy những mặt mạnh và nhìn thẳng vào những khó khăn, yếu kém để có giải pháp nhanh hơn, hiệu quả hơn cho TP phát triển. Các cơ quan chính quyền cần công khai đến người dân các quyết định, chủ trương của mình nhanh hơn thông qua báo chí; phải làm tốt hơn nữa phát hiện các vấn đề cần giải quyết; phải nhanh hơn trong đề xuất các giải pháp cho cuộc sống và thực hiện nhanh hơn, có kết quả nhanh hơn trong hành động.
“Bên cạnh các thế mạnh, Thành phố còn cái yếu là bị chậm, mong mỗi cán bộ, đảng viên, người dân và báo chí giúp Thành phố nhanh hơn. Chậm sẽ không đáp ứng được mong mỏi của đồng bào, không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Để đất nước phát triển nhanh, Thành phố phải hành động nhanh, hiệu quả, quyết liệt hơn. Muốn vậy phải phát huy tốt nguồn lực từ tất cả người dân Thành phố” – Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan báo chí giúp đánh giá lại 7 chương trình đột phá của Thành phố, các chương trình xây dựng Đảng, chính quyền, trong đó kiến nghị cách làm để các nhà khoa học, thanh niên, người lao động, nhà quản lý,… phát huy hơn nữa nguồn lực của mình.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy xem xét tập hợp các bài báo viết về Nghị quyết 54 thành sổ tay đưa về cơ sở làm công tác tuyên truyền và tự học tập. Báo chí cần có định hướng thông tin tạo sức lan tỏa các gương tiêu biểu sáng tạo của Thành phố; đồng thời tổ chức tọa đàm về bài học sáng tạo từ các nước khởi nghiệp thành công; từ đó hình thành văn hóa sáng tạo trong các trường học, nơi làm việc, cơ quan báo chí, đưa Thành phố vươn lên.
(Theo thanhuytphcm.vn)
Ảnh: Tiến Đức