Từ 2013, trước ngưỡng cửa trở thành một thế lực smartphone toàn cầu, Xiaomi đã đưa ra một lời khẳng định gây sốc: “Chúng tôi là một công ty Internet”.
Trước thềm IPO vào tháng 6 vừa qua, bộ sậu Xiaomi lại liên tục nhắc lại khẳng định này. Vài tháng trước đó, CEO Lei Jun cũng tuyên bố sẽ không bao giờ thu lãi lớn hơn 5% từ smartphone.
“Công ty Internet”
Nếu như “công ty Internet” là ước muốn, là hình ảnh Xiaomi muốn xây dựng trong lòng các nhà đầu tư thì số liệu do công ty này công bố lại đang khẳng định điều ngược lại. Trong quý vừa qua, mảng Internet của công ty thu về 4 triệu Nhân Dân Tệ. Tổng doanh thu của cả công ty là 45,2 tỷ NDT.
Tức là, doanh thu từ Internet của Xiaomi đang chiếm không đầy 1% nguồn sống của công ty này.
1% doanh thu.
Không có một đối thủ nào khác tự xưng theo cái cách khó hiểu như Xiaomi. Apple chẳng hạn, trong quý vừa rồi thu về  7,3 tỷ USD iTunes, the App Store, the Mac App Store, Apple Music, iCloud, Apple Pay và AppleCare. Tổng doanh thu của Táo trong quý 2 là 53,3 tỷ USD.
Nói cách khác, các dịch vụ Internet và sửa chữa đang đem về hơn 10% doanh thu cho Apple. Nhưng Apple không tự xưng là công ty Internet. Hay dịch vụ. Trái lại, Apple vẫn thoải mái khoe khoang các con số từ iPhone. 41,3 triệu máy bán ra ở mức giá trung bình 724 USD chẳng hạn.
Không phải là công ty smartphone?
Doanh số Mi phone cũng không phải là tệ: 32 triệu máy trong quý 2. Thế nhưng, với tuyên ngôn “lãi dưới 5%”, với thiết kế vẫn chịu “âm hưởng” rõ rệt từ Apple, Xiaomi hiểu rằng các nhà đầu tư sẽ không đặt cược vào tương lai của những chiếc Mi phone.
Nhắc đến Xiaomi, người ta sẽ nghĩ đến các sản phẩm mang “âm hưởng” Táo trước, hay nghĩ đến Internet trước?
Chính bởi vậy, trước và sau IPO, Xiaomi vẫn luôn tự xưng là công ty Internet. Bán điện thoại giá rẻ rồi thu hút người dùng vào sử dụng dịch vụ của Xiaomi để sinh lời là triết lý đã được Xiaomi khẳng định suốt từ 2013 tới nay. Đến cả hệ sinh thái gắn mác Mi (nhưng là do các công ty ngoài sản xuất) cũng nhắm cùng một mục tiêu: bằng điện thoại phá giá, Xiaomi sẽ thu lợi nhuận từ các mảng khác.
Ấy vậy mà trong quý vừa rồi, 30,5 tỷ NDT doanh thu vẫn đến từ smartphone. Doanh số TV và các sản phẩm Mi khác là 10,5 tỷ Tệ. Chỉ vỏn vẹn 4 triệu NDT đến từ các dịch vụ Internet của Xiaomi.
Một lần nữa, không có một công ty Internet thực thụ nào lại sở hữu doanh thu Internet dưới 1% cả. Các công ty Internet như Google, Facebook, Amazon sống và chết bằng Internet. Google chẳng hạn: mỗi năm bán được vỏn vẹn vài triệu Pixel, kinh doanh y tế, xe tự lái thì lỗ tiền tỷ. Nếu không có doanh thu từ các dịch vụ Internet, Google sẽ sụp đổ ngay lập tức.
Đường đến tương lai
Về lý thuyết, đây quả là cách kiếm tiền tốt từ hàng triệu Mi phone bán ra mỗi tháng…
Xiaomi thì không. Mất 1% doanh thu, Xiaomi không thể sụp đổ ngay lập tức được.
Nhưng trớ trêu thay, 1% ấy lại là thứ duy nhất đáng để khoe khoang nếu muốn chứng minh khả năng trường tồn của công ty. Smartphone của Xiaomi không có lãi, chưa kể để có thể vượt quá mốc 5% lợi nhuận được Lei Jun đặt ra thì Xiaomi sẽ phải làm một nhiệm vụ khó khăn: rũ bỏ thói quen copy từ Apple. Xiaomi sẽ phải tự sáng tạo ra các tính năng có nghĩa, có giá trị với người dùng.
So với thử thách này, kiếm tiền từ “Internet” có vẻ là một nhiệm vụ dễ nhằn hơn. Xiaomi có thể bán ứng dụng, bán nội dung dựa vào khối người dùng MIUI. Xiaomi có thể chia sẻ doanh thu quảng cáo với các nền tảng Internet Trung Quốc khác.
Một kế hoạch hoàn hảo, ngoại trừ một điểm yếu duy nhất: ra ngoài thị trường Trung Quốc, người dùng Xiaomi không bị “trói” vào dịch vụ của Xiaomi. Chính bản thân Xiaomi cũng sản xuất smartphone Android One cho Google. Khi số lượng smartphone Mi bán ra vẫn được duy trì ở các mốc ấn tượng, kế hoạch dùng smartphone để thu lời từ Internet của Xiaomi rõ ràng là có vấn đề.
Nhưng ra ngoài Trung Quốc thì người dùng Mi đâu có lý do gì để chọn Mi App Store?
Con số dưới 1% trong quý 2 chính là hồi chuông cảnh báo về con đường gập ghềnh trước mắt của Xiaomi. Công ty Trung Quốc này đã có thể “hô biến” lỗ thành lãi nhờ vào các khoản điều chỉnh trị giá cho cổ phiếu ưu tiên trước IPO, nhưng không phải quý nào Xiaomi cũng có thể IPO thêm một lần nữa. Nếu không thể tìm ra con đường đi thực sự cho tầm nhìn “công ty Internet”, sớm muộn gì Xiaomi cũng sẽ phải đối mặt với những khoản lỗ trước mắt, vào quý sắp tới đây. Nhìn thấu bản chất: Bán điện thoại lãi 5%, Xiaomi lấy đâu ra khoản lợi nhuận 2 tỷ đô?