“Màn hình giọt nước” – lời giải cho bài toán “tai thỏ”
Trong thời đại cấu hình phần cứng của smartphone không còn quá quan trọng như hiện nay, thì thiết kế bên ngoài nghiễm nhiên trở thành yếu tố quyết định đến sức hút của một sản phẩm di động. Cho đến hiện tại, màn hình vô cực vẫn đang là xu hướng được theo đuổi nhiều nhất, với tiêu chí viền màn hình càng mỏng càng tốt. Mới đây, Oppo còn nâng xu hướng này lên một tầm cao mới với siêu phẩm tầm trung F9 cùng “màn hình giọt nước” độc đáo.
Chỉ là một smartphone tầm trung nhưng Oppo F9 đã giải quyết “tai thỏ” cực êm đẹp.
Để thấy được “màn hình giọt nước” của F9 ưu việt như thế nào giữa thị trường di động ngập tràn “tai thỏ” như hiện nay, hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem thiết kế của smartphone tầm trung đã thay đổi thế nào trong thời gian qua.
Bắt kịp xu hướng cao cấp sau 3 năm không ngừng đổi mới
Năm 2015, phân khúc tầm trung bắt đầu nổi lên với rất nhiều sản phẩm chất lượng như Oppo R7 Lite, Samsung Galaxy J7 hay Redmi Note 2.
Tất nhiên là nếu so với những “người anh em” cao cấp hơn thì thiết kế của smartphone tầm trung khi ấy thực sự là kém một trời một vực. Kích thước màn hình dao động từ 5 – 5,5 inch (đa số là 5,5 inch), lọt thỏm trong 4 phần viền máy khá dày và vuông vức, đặc biệt là phần viền trên, dưới.
Thiết kế màn vuông vức kiểu “thanh niên nghiêm túc” của Oppo R7 Lite.
Một năm sau đó, thị trường tầm trung vẫn tiếp tục sôi động với loạt thiết bị ăn khách như Samsung Galaxy J7 Prime, Xiaomi Mi 5 hay Oppo F1s. Thế nhưng dù nhận được nhiều cải tiến về mặt phần cứng, tính năng, thiết kế của những smartphone này vẫn không có nhiều thay đổi so với thế hệ tiền nhiệm ngoài phần viền 2 bên cạnh máy đã mỏng hơn 1 chút.
Oppo F1s có màn hình dài hơn, phần viền cũng mỏng đi một chút.
Sau khi nhận ra tiềm năng cực lớn mà smartphone tầm trung mang lại, các nhà sản xuất đã không ngần ngại đầu tư cho phân khúc này với sự xuất hiện của hàng loạt siêu phẩm như Galaxy J7 Pro, J7+, Xiaomi Mi A1 và đặc biệt là Oppo F5, người tiên phong cho màn hình vô cực trong phân khúc tầm trung.
Vẫn với kích thước 5 – 5,5 inch, nhưng thiết kế của những chiếc smartphone này đã trở nên tinh tế, thanh thoát hơn. Mặc dù phần viền trên/dưới vẫn còn khá dày, nhưng khuôn máy được làm dài ra, hai phần viền 2 bên được bo hẹp lại.
Oppo F5 là smartphone tầm trung đầu tiên theo xu hướng màn hình vô cực.
“Màn hình giọt nước” – phiên bản “tai thỏ” được thiết kế lại để trở nên ấn tượng
Mới ra mắt vào ngày 15/8 vừa qua nhưng Oppo F9 đã nhanh chóng gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ thiết kế “màn hình giọt nước” để khắc phục “tai thỏ” đáng ghét.
Phần “rãnh” đã được thu hẹp đáng kể để mang đến trải nghiệm hiển thị tối ưu nhất.
Lợi ích đầu tiên phải kể đến là khả năng hiển thị thông tin đầy đủ hơn, không bị “lõm” mất một chỗ như trên các smartphone tai thỏ khác. Oppo F9 đã bứt ra khỏi giới hạn 5,5 inch với màn 6,3 inch, trong đó diện tích hiển thị thực tế chiếm đến gần 91% diện tích mặt trước, cùng với tỉ lệ khung hình 19,5:9 chẳng hề kém cạnh những thiết bị cao cấp nhất hiện nay.
Lợi ích thứ hai chính là lợi ích về mặt thẩm mỹ. Cách làm của Oppo lại rất độc đáo và tinh tế, vừa mang đến trải nghiệm màn hình vô cực đúng nghĩa mà vẫn đảm bảo chất lượng của camera selfie – vốn là thế mạnh của hãng.
“Giọt nước” tuy nhỏ nhưng vẫn có thể thầu hết camera trước, loa thoại cùng nhiều loại cảm biến khác.
Và cuối cùng, Oppo F9 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển đã đạt đến đỉnh cao của smartphone tầm trung, với cả thiết kế lẫn tính năng đều thuộc top đầu thị trường hiện nay, xóa mờ ranh giới với những thiết bị cao cấp.
Sẽ không có gì bất ngờ nếu trong tương lai gần, smartphone trong tầm giá 7- 8 triệu đồng sẽ được trang bị màn hình cỡ lớn, viền siêu mỏng, không ngán “tai thỏ” khi đã có “giọt nước”, và chỉ cần giải quyết nốt “cái cằm” dưới nữa thôi là mọi chuyện sẽ trở nên quá hoàn hảo. Đặt hàng trước để “săn” ưu đãi khủng khi mua OPPO F9 trên Shopee