Các nhà khoa học tìm thấy 4 mảnh hổ phách hay nhựa cây hóa thạch chứa xác ếch từ cuối thời đại khủng long tại Myanmar. Họ đặt tên cho loài ếch cổ đại này là Electrorana limoae. Chúng mang nhiều nét tương đồng với ếch và cóc hiện đại, trong đó có cóc tía và cóc bà mụ.
Tiến sĩ Lida Xing tại Đại học Địa chất Trung Quốc nhận xét đây là một phát hiện kỳ diệu. “Ở Trung Quốc, ếch, thằn lằn và bọ cạp được gọi là ba báu vật của hổ phách. Hóa thạch hổ phách này cung cấp bằng chứng trực tiếp cho thấy ếch sống trong rừng nhiệt đới ẩm trước khi sự kiện đại tuyệt chủng diễn ra cuối kỷ Phấn Trắng”, Xing cho biết.
Hóa thạch động vật lưỡng cư cổ tương đối hiếm nên phát hiện mới có giá trị lớn với khoa học. Khả năng các sinh vật nhỏ sống trong rừng nhiệt đới như vậy để lại hóa thạch khá thấp, theo tiến sĩ David Blackburn tại Đại học Florida.
“Ếch đã sống trên Trái Đất xấp xỉ 200 triệu năm. Chúng kết nối với những khu rừng ẩm này từ bao giờ? Gần đây hay từ thời cổ đại? Những hóa thạch ếch hổ phách mới phát hiện chỉ ra, mối liên kết này xuất hiện từ ít nhất 100 triệu năm trước”, Blackburn giải thích.
Ếch Electrorana limoae khi sống trong rừng nhiệt đới cổ đại
Ngoài ếch, nhóm nhà khoa học cũng tìm thấy hóa thạch thực vật, nhện và côn trùng tại khu vực này. Thậm chí trong đó còn có động vật thân mềm dưới nước, cho thấy ếch sống trong hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm và ấm, có chứa hồ nước ngọt.
Mỗi phát hiện là một mảnh ghép mới, tiến sĩ Ricardo Perez-De-La Fuente tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Oxford, nhận xét. “Loài ếch mới là một mảnh ghép thú vị. Chúng là kẻ săn mồi tiềm năng của những côn trùng hóa thạch mà tôi cùng đồng nghiệp say mê nghiên cứu”, ông nói.