Gừng Sơn Trà – Ảnh: BÙI VĂN TUẤN
Đầu tháng 3-2018, các nhà khoa học đã công bố phát hiện loài ếch mới ở Sơn Trà sau gần năm năm nghiên cứu.
Ếch Rôly và gừng Sơn Trà
Loài ếch này được đặt tên khoa học là Leptolalax rowleyae Nguyen et al. 2018 (tên tiếng Anh là Rowley’s litter frog; tiếng Việt: cóc mày Rôly).
Đây là loài ếch nhỏ (kích thước cơ thể bé hơn 3cm), sinh sống ở rừng, nơi đầu nguồn các con suối nhỏ, dưới các thảm mục ven suối, có tiếng kêu rất nhỏ…
Vào năm 2012, TS Phan Thị Hoa (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đang thực hiện luận án tiến sĩ nghiên cứu về ếch nhái và bò sát tại Sơn Trà và Cù Lao Chàm, đã tìm thấy một quần thể nhỏ của loài này ở độ cao trên 400m (Sơn Trà).
Sau đó, từ các nghiên cứu chuyên sâu về di truyền và âm học với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế đến từ Nga và Canada cùng các cộng sự trong nước, TS Hoa và học trò của mình là thạc sĩ Nguyễn Thành Luân đến từ Chương trình bảo tồn rùa châu Á, đã xác định đây là một loài mới.
Bài báo về loài mới này được đăng tải trên tạp chí phân loại học quốc tế Zootaxa, số ra ngày 1-3-2018. Loài này được đặt tên TS Rowley Jodi ở Bảo tàng Úc, để ghi danh người đã có thời gian dài nghiên cứu và bảo tồn các loài lưỡng cư ở Việt Nam từ năm 2007.
Theo TS Hoa, việc khám phá loài mới này ở Sơn Trà cho thấy tiềm năng đa dạng sinh vật ở đây còn rất lớn và cần được quan tâm hơn.
Theo TS Lưu Hồng Trường – viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Sơn Trà có trên 1.000 loài thực vật, trong đó có 43 loài thực vật bậc cao nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, 21 loài trong sách đỏ thế giới.
Có 5 loài thú nằm trong sách đỏ Việt Nam, 4 loài trong sách đỏ thế giới như chà vá chân nâu, cu li nhỏ, tê tê, dơi chó cánh ngắn mang thường. Cùng với đó là các loài bò sát với 15 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 5 loài nằm trong sách đỏ thế giới như rồng đất, kỳ đà hoa, trăn gấm…
Theo TS Trường, quan trọng là Sơn Trà có những loài chúng ta chưa biết hoặc mới biết đây thôi, có rất nhiều dữ liệu sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học.
“Chúng tôi có thể cung cấp sơ bộ một loại riềng mà các nhà khoa học mới phát hiện được ở Sơn Trà. Loài này được mô tả năm 2012 tại đảo Hải Nam, Trung Quốc và Sơn Trà là địa điểm thứ hai ghi nhận có loài riềng này.
Ngoài ra, Sơn Trà có loài gừng tím, chi gừng đặc hữu của Việt Nam chưa nước nào có. Dự kiến chúng tôi đặt tên gừng này là gừng Sơn Trà”.
TS Trường còn nói thêm hệ sinh thái tự nhiên của Sơn Trà vô cùng giá trị và đặc biệt. Vùng liền lạc với biển như Sơn Trà rất khó có thể tìm thấy ở nước ta và Sơn Trà không chỉ có tổng số loài cao mà số loài quý hiếm cũng cao.
Loài ếch mới được phát hiện tại Sơn Trà tháng 3 vừa qua – Ảnh: NGUYỄN THÀNH LUÂN
Kho dược liệu quý giá
Sau năm 1975, Sơn Trà đã được chú ý bởi nơi đây được ví như “kho” dược liệu quý. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tập (Viện dược liệu), sau nhiều lần lên Sơn Trà điều tra khảo sát, ông thu thập được 329 loài cây thuốc thuộc 253 chi, 108 họ và năm ngành thực vật bậc cao.
Ông Tập nói: “Các loài cây thuốc mới ghi nhận được đã góp phần làm phong phú thêm cho khu hệ thực vật của bán đảo Sơn Trà”.
Cũng theo ông Tập, khi điều tra về cây thuốc tại Sơn Trà với sự chủ trì của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, 329 loài thuốc được dùng để điều trị gần 22 nhóm bệnh thường mắc phải như cảm sốt, cảm lạnh, bệnh ngoài da, mụn nhọt, hô hấp, tim mạch, huyết áp…
Nhiều loài được coi là những vị thuốc nam quen thuộc và gần như không thể thiếu đối với các thầy thuốc y học cổ truyền ở Đà Nẵng như cà gai leo, chè dung, dây chiều, dây gắm…
“Nguồn cây thuốc mọc tự nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà rõ ràng là một kho tàng dự trữ thuốc nam phong phú của thành phố hiện nay” – ông Tập nhận định.
Ông Tập cho biết thêm cây thuốc ở Sơn Trà không chỉ sử dụng trong y học cổ truyền mà nhiều loài còn chứa các hợp chất tự nhiên để làm thuốc như vàng đắng chiết berberin, hoàng đằng chiết palmatin.
Đây là các alkaloid được dùng làm thuốc chống nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, chữa đau mắt đỏ và bán tổng hợp thuốc an thần. Loài râu hùm trong thân rễ có chứa hợp chất diosgenin dùng làm nguyên liệu bán tổng hợp thuốc chống viêm corticoid, nội tiết tố sinh dục.
“Ở Việt Nam không có chỗ nào mà đi chỉ từ 15-20 phút là có cây vàng đắng như ở Sơn Trà, đây là điều hiếm có” – PGS.TS Nguyễn Văn Tập khẳng định.
Không chỉ vậy, thống kê sơ bộ cho thấy ở Sơn Trà có tám loài cây thuốc nằm trong danh sách bảo tồn cấp quốc gia.
“Đặc biệt lưu ý trong số các loài được ưu tiên bảo tồn có ba loài hoàng đằng, lá khôi và tuế Sơn Trà mà tình trạng quần thể của chúng gần như còn nguyên trạng. Đây là thực tế hiếm thấy trong các hệ rừng khác ở nước ta hiện nay” – ông Tập nói.
_________
Kỳ tới: Sơn Trà chưa yên