Sử dụng tai nghe có dây
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các điện thoại đều hỗ trợ giắc cắm tai nghe có dây. Tai nghe có dây sẽ tự động giảm phơi nhiễm bức xạ vì điện thoại cách xa cơ thể. Khoảng cách smartphone tới cơ thể càng xa càng tránh được lượng bức xạ mà bạn hấp thụ vào. Tai nghe có dây vẫn có thể truyền bức xạ qua dây nhưng ở mức rất thấp.

Sử dụng loa ngoài
Điều này có thể khá khó chịu nếu bạn ở nơi công cộng nhưng các chuyên gia nói rằng, việc sử dụng loa ngoài là hữu ích vì bạn sẽ giữ điện thoại cách xa bộ não. Khoảng cách càng xa thì bức xạ càng giảm. Ví dụ, cầm smartphone cách 2 inch sẽ giảm bức xạ theo hệ số 4, theo Magda Havas, Phó Giáo sư của Viện Nghiên cứu Y tế tại Đại học Trent ở Ontario, Canada.

Mach ban tuyet chieu de giam thieu toi da buc xa smartphone

Không đeo thiết bị Bluetooth mọi lúc mọi nơi
Tai nghe không dây Bluetooth sẽ giúp bạn tiếp xúc với một số bức xạ. Tuy nhiên, nó sẽ ít bức xạ hơn nhiều so với một chiếc điện thoại thông minh. Vấn đề là hầu hết mọi người đều đeo thiết bị Bluetooth của họ mọi lúc. Và điều này không hề tốt. Nếu bạn sử dụng thiết bị Bluetooth, hãy chuyển thiết bị từ tai này sang tai kia để tránh sử dụng quá nhiều ở một bên và hãy lấy chúng ra khỏi tai khi không sử dụng để kết nối với điện thoại.
Các điểm hot spot bức xạ
Smartphone không phải lúc nào cũng phát ra cùng một mức độ bức xạ. Ví dụ, điện thoại của bạn sẽ phát ra nhiều bức xạ nhất khi kết nối với cột phát sóng di động. Tuy nhiên di chuyển điện thoại (giống như bạn đang đàm thoại trong khi lái xe) sẽ liên tục kết nối vào và ra với các cột phát sóng. Điều này sẽ tự động làm tăng công suất lên tối đa khi điện thoại liên tục cố gắng kết nối với trạm phát sóng. Tín hiệu yếu cũng sẽ khiến điện thoại của bạn phải làm việc vất vả hơn, điều này đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều bức xạ hơn. Vì vậy, tránh sử dụng điện thoại của bạn trong thang máy, các tòa nhà và khu vực nông thôn. Nghiên cứu cho thấy thiết bị của bạn khi gọi sẽ phát ra nhiều bức xạ hơn là khi nhận.

Đọc lại bản hướng dẫn
Hầu hết các sách hướng dẫn về an toàn cho smartphone đều yêu cầu người dùng không giữ điện thoại bên cạnh đầu của họ, hoặc ngay cả trong túi của bạn và họ thường đưa ra khuyến cáo khoảng cách an toàn khi sử dụng smartphone. Nếu bạn giữ chúng bên cạnh cơ thể, các nhà sản xuất không thể đảm bảo rằng, lượng bức xạ bạn đang hấp thụ sẽ ở mức an toàn.
Không gọi điện thoại
Nếu bạn không muốn giữ điện thoại bên cạnh đầu của bạn mọi lúc mọi nơi thì có thể chuyển việc gọi và nhận cuộc gọi bằng cách nhắn tin, sử dụng email… Bằng cách này, bạn sẽ tránh hoàn toàn việc phải đặt điện thoại ở cạnh đầu của bạn.
Bức xạ của smartphone và sức khỏe
Ảnh hưởng của bức xạ điện thoại di động đối với sức khỏe con người là một chủ đề được quan tâm và nghiên cứu trên toàn thế giới, vì sự gia tăng rất lớn trong việc sử dụng điện thoại di động trên khắp thế giới. Theo số liệu từ Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), hiện có đến hơn 2/3 dân số thế giới được kết nối qua các thiết bị di động.
Điện thoại di động sử dụng bức xạ điện từ trong phạm vi vi sóng (450–3800 MHz). Các hệ thống không dây kỹ thuật số khác, chẳng hạn như mạng truyền dữ liệu, tạo ra bức xạ tương tự.
Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng: “Rất nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện trong hai thập kỷ qua để đánh giá liệu điện thoại di động có gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe con người hay không. Cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào được ghi nhận ảnh hưởng tới sức khỏe do sử dụng điện thoại di động gây ra”.
Tuệ Minh (Theo CNN) .

VietBao.vn