Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí British Journal of Sports Medicine tiết lộ một mẹo vặt dễ đến giật mình, nhưng bạn lại có thể dùng nó để tăng thêm vài năm tuổi thọ cho mình: Đi bộ nhanh. Các nhà khoa học Australia phát hiện tốc độ đi bộ có thể dự đoán nguy cơ tử vong sớm của chúng ta, không chỉ từ bệnh tim mạch mà còn từ nhiều tình trạng sức khỏe khác. Từ trước đến nay, chúng ta đã biết vai trò quan trọng của việc tập thể dục. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nhưng tổng thời gian bạn đi lại trong ngày liệu có được tính là tập thể dục hay không? Đó vẫn là một câu hỏi của chính các nhà khoa học. Nếu bạn đơn giản là đi bộ từ bàn làm việc ra phòng vệ sinh thì chưa chắc. Nhưng nếu đi bộ nhanh, chắc chắn đó là tập thể dục.

Muốn sống lâu hơn có khó gì, khoa học nói chỉ cần đi bộ nhanh lên là được - Ảnh 1.

Muốn sống lâu hơn có khó gì, khoa học nói chỉ cần đi bộ nhanh là được

Tốc độ đi bộ có liên quan đến nguy cơ tử vong gây ra bởi nguyên nhân bất kỳ, nhưng vai trò cụ thể của nó – không phụ thuộc vào hoạt động thể chất mà một người thực hiện – từ trước đến này nhận được rất ít sự chú ý”, giáo sư Emmanuel Stamatakis tại Đại học Sydney cho biết. Ông đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu ra sự khác biệt giữa một chuyến đi bộ thông thường và một chuyến đi bộ có tác dụng như tập thể dục. Với mục tiêu phải tìm ra điểm chuyển tiếp giữa 2 mức độ đi bộ này, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp hồ sơ khảo sát hơn 50.000 người, từ 11 cuộc điều tra tiến hành tại Anh và Scotland giữa năm 1994 và năm 2008. Hồ sơ hoạt động thể chất của họ được liên kết với tỷ lệ tử vong trong hồ sơ y tế. Do đó, nhóm nghiên cứu đã có thể tìm kiếm mối quan hệ giữa tốc độ đi bộ và tỷ lệ tử vong vì mọi nguyên nhân nói chung, tử vong do ung thư và tử vong do bệnh tim mạch nói riêng. Sau khi loại trừ các yếu tố rủi ro, các nhà nghiên cứu phát hiện đi bộ ở tốc độ trung bình đã giúp bạn giảm 20% tử vong sớm vì mọi nguyên nhân, so với những người chỉ đi bộ chậm. Riêng đối với bệnh tim mạch, tăng tốc đi bộ giúp giảm 25% nguy cơ tử vong gây ra bởi bệnh suy tim sung huyết hoặc đột quỵ. Bây giờ, bạn có thể thắc mắc đi bộ nhanh là nhanh cỡ nào. Giáo sư Stamatakis nói: “Một tốc độ đi bộ nhanh trung bình là từ 5-7 km/h, nhưng nó thực sự phụ thuộc vào mức độ tập luyện của mọi người”. Bạn có thể biết mình đang đi bộ nhanh, nếu tốc độ đó khiến bạn hít thở mạnh hơn và toát mồ hôi liên tục. Các lợi ích của việc đi bộ nhanh duy trì trên những người 60 tuổi. Những người đi bộ ở vận tốc trung bình giảm 46% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Con số là 53% với người đi bộ nhanh. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy tốc độ đi bộ tạo ra sự khác biệt với nguy cơ mắc ung thư nói chung, mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể giảm tỷ lệ mắc một số loại ung thư cụ thể nếu họ nghiên cứu sâu hơn.

Muốn sống lâu hơn có khó gì, khoa học nói chỉ cần đi bộ nhanh lên là được - Ảnh 2.

Đi bộ nhanh ở vận tốc 5-7 km/h là một hình thức tập thể dục tuyệt vời

Mặc dù vậy, cũng phải nói đến những khía cạnh chưa hoàn hảo trong nghiên cứu. Chúng ta nên nhớ rằng nghiên cứu này dựa vào các câu trả lời từ bảng khảo sát, nên nó yêu cầu sự trung thực của người tham gia. Ngoài ra, luôn có một câu hỏi ngược trong nghiên cứu dạng này: Đó là liệu đi bộ nhanh khiến người ta khỏe mạnh hơn, hay những người khỏe mạnh hơn thích đi bộ nhanh? Kết luận mang tính nhân-quả là chưa thể xác định. “Phân tách ảnh hưởng của một khía cạnh cụ thể trong hoạt động thể chất và hiểu được mối liên hệ của nó với nguy cơ tử vong sớm rất phức tạp“, giáo sư Stamatakis thừa nhận. Bây giờ, trước khi bạn quyết định tăng tốc mọi chuyến đi bộ của mình kể cả trong nhà hay ở công ty lên 5-7 km/h, hãy nhớ rằng nghiên cứu này chỉ nói về nguy cơ tương đối. Nguy cơ tuyệt đối của bạn đối với bất kỳ căn bệnh nào dường như không thay đổi quá nhiều dù cho bạn đi bộ chậm hay nhanh. Nhưng ngay cả như vậy, các nghiên cứu dạng này vẫn là một lời nhắc nhở tuyệt vời về những lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên. Hãy nhớ tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, trong đó, đi bộ nhanh là một lựa chọn không tồi. Tham khảo Sciencealert